| 13-08-2021 | 08:35:12

Chuyển đổi số, lực đẩy cần phát huy

 Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là lực đẩy để nông nghiệp Việt vượt qua khó khăn hiện tại cũng như hiệu quả cho tương lai. Chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt, liền mạch để thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong trồng trọt, công nghệ IOT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số. Công nghệ IOT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ.

Tại Bình Dương, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, Bình Dương phấn đấu đạt được một số mục tiêu về quy mô thị trường TMĐT. Cụ thể, doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở mức từ 15 - 20%/năm; phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 35%. Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp, 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; trên 50% doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả; hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP, hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản của tỉnh được trưng bày và bán trên sàn TMĐT Bình Dương và một số sàn TMĐT phổ biến khác…

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại chính là lực đẩy mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp, đồng thời mở ra kênh tiêu thụ - hướng phát triển mới cho đầu ra sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai.

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ