| 23-07-2021 | 08:53:21

Cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ: Động lực phát triển, đổi mới và sáng tạo

Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong đó, lĩnh vực thông tin và thống kê KH&CN được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược, thay đổi nhận thức của người dân về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực đời sống, hướng đến nền kinh tế số, kinh tế bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 Trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin của tỉnh vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ theo quy định

 Bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu

Năm 2015, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Trung tâm) tham mưu cho Sở KH&CN trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 54/2015/ QD-UBND về thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Quyết định số 54). Trong 3 năm (2016- 2018), số lượng đăng ký, lưu giữ tại Trung tâm là 122 kết quả nhiệm vụ KH&CN thuộc 6 lĩnh vực khác nhau như khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học nông nghiệp và khoa học y dược. Số lượng kết quả thực hiện luận văn, luận án (LVLA) đăng ký lưu giữ tại Trung tâm là 120.

Thạc sĩ Trần Trọng Tuyên, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Trong Quyết định số 54, nội dung đăng ký, lưu giữ LVLA sau đại học sử dụng ngân sách Nhà nước là hoàn toàn mới, khác biệt với các tỉnh, thành trong cả nước. Nội dung này được tham mưu theo sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh nhằm phát huy vai trò của Trung tâm trong công tác phổ biến kiến thức KH&CN, kết quả các đề tài, dự án nghiên cứu đã được nghiệm thu; xây dựng ngân hàng dữ liệu về kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN”. Theo thạc sĩ Trần Trọng Tuyên, sau khi Nghị quyết số 05 về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương của HĐND tỉnh ban hành, số lượng đăng ký lưu giữ kết quả LVLA sau đại học tăng lên rõ rệt. Từ năm 2020 đến nay đã có 83 kết quả đăng ký, lưu giữ thuộc các ngành như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, triết học, quản lý giáo dục, hệ thống thông tin, khoa học máy tính, kinh tế nông nghiệp, khoa học cây trồng, kỹ thuật điện tử, luật học… Trong đó, có 3 luận án tiến sĩ được đăng ký tại Trung tâm.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, LVLA sau đại học đăng ký, lưu giữ tại Trung tâm được đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc tra cứu triển khai các nghiên cứu đi sau, tránh trùng lặp các nhiệm vụ đã và đang được triển khai nghiên cứu, tránh lãng phí thời gian, chi phí, nhân lực; chia sẻ thông tin kịp thời và có hệ thống. Kết quả được đề xuất nhân rộng và ứng dụng vào thực tiễn theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội nếu phù hợp, là một trong những căn cứ để phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, LVLA sau đại học. Đồng thời, đăng ký, lưu giữ nhiệm vụ KH&CN, LVLA sau đại học cũng góp phần minh bạch hóa việc tài trợ công cho hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như kết quả của hoạt động này. Ngoài ra, chấm dứt tình trạng “đạo văn” trong nghiên cứu khoa học hoặc cho phép thực hiện những nhiệm vụ không có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Qua đó sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, phát triển và tăng hiệu quả sử dụng ngân sách đầu tư cho KH&CN.

Để nhanh chóng hoàn thiện Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, đến nay Trung tâm đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai 4/6 TTHC tiếp nhận thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (3 TTHC mức độ 3 và 1 TTHC mức độ 4) thông qua Cổng Dịch vụ công của tỉnh. “Có thể nói, ngoài việc thực hiện thu thập, đăng ký, lưu giữ nhiệm vụ KH&CN, LVLA sau đại học theo Quyết định số 54 để xây dựng cơ sở dữ liệu số, việc đăng ký, lưu giữ LVLA sau đại học được đưa vào Nghị quyết số 5, đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu LVLA sau đại học trên địa bàn tỉnh. Bước đầu hình thành được cơ sở dữ liệu về KH&CN, hướng đến phục vụ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực KH&CN, phát triển nền kinh tế số, tạo động lực phát triển đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh”, thạc sĩ Trần Trọng Tuyên, nói.

Hướng tới cơ sở tri thức

Căn cứ vào cơ sở dữ liệu (CSDL) thành phần quy định trong CSDL quốc gia về KH&CN, Bình Dương đang từng bước hoàn thiện CSDL về nhiệm vụ KH&CN, CSDL thống kê KH&CN, cập nhật thông tin nhiệm vụ KH&CN của tỉnh vào CSDL quốc gia theo quy định. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ nghiên cứu tham mưu thực hiện xây dựng các CSDL thành phần thuộc địa phương quản lý và tích hợp vào CSDL quốc gia, CSDL hệ tri thức Việt số hóa theo quy định. Cụ thể như CSDL về nhân lực KH&CN, công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; về an toàn bức xạ và hạt nhân ở địa phương… Xa hơn nữa là hình thành một cơ sở tri thức về KH&CN của địa phương.

Thạc sĩ Trần Trọng Tuyên, cho biết: “Việc từng bước xây dựng CSDL về KH&CN tại địa phương sẽ giúp ngành KH&CN tối ưu hóa quá trình quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn. Hình thành nền tảng dữ liệu KH&CN trực tuyến của địa phương, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học thông qua sự thuận tiện hơn khi tiếp cận các thông tin chia sẻ từ nhiều kho dữ liệu khác nhau trên môi trường số”.

 Thủ tục đăng ký, lưu giữ nhiệm vụ KH&CN, LVLA sau đại học đã được Trung tâm thực hiện theo Nghị định số 61 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 18-8-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh và Quyết định số 2892 ngày 30-9-2020 của Sở KH&CN về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi/bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở KH&CN. Số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung tâm là 6 (có 3 TTHC đặc thù) thuộc lĩnh vực hoạt động KH&CN và được đăng tải trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh (https:// dichvucong.binhduong.gov.vn/) và Cổng Dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn/).

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ