| 25-05-2020 | 10:24:52

13 mẹo giúp bạn sống tích cực hơn

“Luôn nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc sống” – tiêu đề bài hát của nhóm hài nổi tiếng nước Anh Monty Python có lẽ là quy tắc chung để lạc quan. Tuy nhiên, với bất kỳ ai bị kẹt xe khi đang muộn giờ làm, hoặc bị sếp khiển trách hay gặp các vấn đề khác trong cuộc sống, việc giữ thái độ tích cực đôi khi tưởng như không thể.

Bạn có thể kiểm soát cảm xúc tốt hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nhìn vào mặt tươi sáng không có nghĩa là bạn phải giả vờ như đang sống trong chuyện cổ tích. Thay vào đó, hãy tập trung vào cách tiếp cận lạc quan với thế giới và tin rằng bạn kiên cường.

"Những người tích cực phải đối mặt với những thách thức giống như những người bi quan. Tuy nhiên, vì họ có niềm tin tiềm ẩn rằng họ có thể chịu được những thách thức không thể tránh khỏi trong cuộc sống, họ thực sự phục hồi nhanh hơn", Tiến sĩ Patricia Thompson, nhà tâm lý học doanh nghiệp người Mỹ cho hay.


Ảnh minh họa: Psychology Today.

Khả năng phục hồi nhanh hơn đem lại lợi ích cho các khía cạnh khác của cuộc sống như sức khỏe tốt hơn, thành công hơn và các mối quan hệ hạnh phúc hơn. Bởi vì tích cực thường có nghĩa là bạn sẽ kiên trì hơn. Và nếu bạn kiên trì, bạn sẽ dễ thành công hơn.

Có những điều chỉnh nhỏ trong thói quen hàng ngày sẽ giúp bạn trở thành một người tích cực hơn. Dưới đây là lời khuyên của các nhà tâm lý học.

Tìm kiếm các hoạt động mang lại niềm vui

Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất của mọi người về tích cực và hạnh phúc là những cảm xúc này tự nhiên xảy ra, tiến sĩ Erin Olivo về tâm lý học lâm sàng cho hay. Khi bạn cảm thấy buồn hoặc tức giận, bạn thường chỉ ngay được nguyên nhân cụ thể gây ra những cảm xúc đó (cãi vã với đó, bị thất bại trong việc gì đó). Thế nhưng, bạn lại không dễ dàng nhận ra rằng những cảm giác vui vẻ cũng được kích hoạt bởi các hoạt động hoặc sự kiện cụ thể ngay cả khi bạn thấy rất chán nản.

Thứ có thể kích hoạt hạnh phúc cho bạn tùy thuộc vào chính bạn. Có một bài hát luôn khiến bạn muốn nhảy khi nghe? Hãy nghe bài hát đó. Nếu chơi với chú chó khiến bạn có nhiều năng lượng hơn, hãy làm điều đó.

"Mọi người phải tìm ra những yếu tố kích hoạt niềm vui, tình yêu hay sự phấn khích của riêng mình, và một khi biết một vài trong số đó, bạn có thể chủ động thực hiện chúng", Olivo giải thích.

Viết ra những điều thấy biết ơn

Trong ba nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tính cách và Tâm lý Xã hội năm 2003, các nhà khoa học tìm hiểu cách thức một người suy nghĩ tích cực hơn. Họ kết luận, việc viết ra ba điều xảy ra mỗi ngày mà bạn thấy biết ơn không chỉ khuyến khích đánh giá cao những khoảnh khắc tích cực trong cuộc sống mà còn khiến bạn bắt đầu để ý đến những điều bạn thấy biết ơn suốt cả ngày.

Tuy nhiên, Olivo khuyên phải viết thật chi tiết. Đừng chỉ viết rằng bạn hạnh phúc khi mặt trời đang tỏa sáng. Thay vào đó hãy viết bạn rất vui vì có thể nghỉ ngơi bằng cách đi dạo quanh khu nhà dưới ánh nắng mặt trời, và bạn cảm thấy sảng khoái. Hãy đề cập đến cảm xúc chứ không chỉ là danh sách các sự kiện.

Làm điều gì đó cho người khác

Không có gì sai với tâm lý muốn đối xử tốt với bản thân, nhưng nếu bạn muốn cảm thấy hạnh phúc lâu hơn, nên giúp người khác. Cảm giác đang đóng góp hoặc phục vụ người khác được chứng minh là mang lại cho cá nhân một liều dopamine (chất tiết ra từ não có thể giúp bạn có cảm giác khoan khoái tự nhiên) lâu dài hơn là làm điều gì đó cho chính mình, theo Olivo.

Thiền

Cả Thompson và Olivo đều cho rằng thiền là cách để làm dịu cơ thể và những tác động bên ngoài. Thiền cũng giúp bạn không còn tập trung vào những điều tiêu cực.


Ảnh minh họa: Psychology Today.

Chấp nhận thế giới hỗn loạn

Có một số điều bạn không thể kiểm soát. Một khi bạn chấp nhận điều đó, bạn có thể dành ít thời gian hơn để mong có thể thay đổi tất cả những hỗn loạn mà bạn không thể thay đổi, Thompson giải thích.

"Đó rõ ràng là điều bạn không muốn, nhưng chống lại nó trong tâm trí sẽ chỉ khiến bạn giận dữ và lo lắng hơn", cô nói.

Thay vào đó, hãy sử dụng thời gian và năng lượng để đưa ra quyết định sáng suốt về những gì bạn có thể làm trong một tình huống cụ thể. Ví dụ, khi đại dịch diễn ra, bạn không thể kiểm soát hành động của phần còn lại thế giới, nhưng bạn có thể chọn thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn thích hợp cho chính mình. Sẽ luôn có những thứ có vẻ không công bằng hoặc không bình đẳng, nhưng thay vì lải nhải về những bất công đó, hãy nghĩ cách làm cho mọi thứ tốt hơn.

Hòa mình vào thiên nhiên

Dành một chút thời gian bên ngoài sẽ làm nên điều kỳ diệu cho tâm trạng. Một nghiên cứu năm 2019 từ Vương quốc Anh cho thấy tận hưởng phong cảnh thiên nhiên hai giờ một tuần giúp tăng cường cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Dù vậy, không nhất thiết phải cố sức tìm một chỗ nào đó thật đẹp, chỉ cần đi dạo nhẹ nhàng quanh công viên hoặc dưới hàng cây quanh nhà.

Đừng thiên vị sự tiêu cực

Cuối ngày, bạn thường nghĩ về một điều tồi tệ đã xảy ra trong khi có hàng tá điều tuyệt vời khác. Theo Olivo, bộ não giữ cho con người sống. Điều đó có nghĩa là nó quét môi trường liên tục để tìm mọi thứ có thể sai hoặc bất cứ điều gì có thể gây tác hại. Do vậy, bộ não có xu hướng tập trung vào tiêu cực hơn là tích cực, được gọi là "thiên vị tiêu cực".

Nhưng chỉ vì bộ não thiên vị như vậy không có nghĩa là bạn cũng phải thế. Bằng cách thường xuyên chọn tập trung vào sự tích cực trong một tình huống hoặc tìm kiếm những điều tích cực trong môi trường, bạn có thể đào tạo bộ não bớt phản ứng với các tiêu cực, Olivo đưa ra lời khuyên.

Viết một lá thư biết ơn

Chắc chắn có những người chưa từng biết bạn biết ơn họ thế nào. Hãy viết cho họ một bức thư bày tỏ sự biết ơn, mô tả tất cả những điều tích cực họ đã tác động đến bạn. Điều này sẽ làm cho cả hai có cái nhìn tốt hơn về cuộc sống.

Hiểu rằng bạn có thể thay đổi cảm xúc của mình

Để trở thành một người lạc quan hơn có thể bắt đầu với quyết định sẽ trở thành một người lạc quan hơn. "Chúng ta có thể chủ động tác động để thay đổi cảm xúc. Chúng ta có quyền quyết định chúng ta sẽ cảm thấy thế nào", Olivo cho hay. Bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng với một tình huống, cách tiếp cận một tình huống và cách nhanh chóng hồi phục khi gặp một tình huống không hay.

Tập thể dục, ăn uống hợp lý và ngủ đủ giấc

Olivo gọi ba yếu tố trên là "tất cả những điều mà mẹ hay yêu cầu" và, hóa ra, mẹ đã đúng. Đáp ứng những nhu cầu cơ bản này sẽ giúp bạn ít bị tổn thương hơn với những cảm giác tiêu cực. Bạn có thể không cảm thấy có động lực để chạy bộ hoặc ăn nhẹ một quả táo thay vì bánh quy cả ngày, nhưng càng làm, bạn càng có khả năng tạo ra cảm giác tích cực trong cuộc sống.

Cười

Cho dù bạn không cảm thấy muốn cười, có một số bằng chứng khoa học cho thấy việc mỉm cười giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Chính hành động này đã gửi một tín hiệu đến não giúp làm dịu những suy nghĩ tiêu cực và giải phóng những chất dẫn truyền thần kinh tốt (như dopamine) giúp mang lại sự ấm áp và phấn chấn.

Có câu thần chú khích lệ

Một số câu nói nếu được lặp đi lặp lại có thể giúp bạn cổ vũ chính mình. Tiến sĩ Thompson đề nghị tự nói với mình những điều như "Bạn có thể làm được", "Bạn sẽ vượt qua ", "Bạn đang cố gắng hết sức" sẽ giúp mọi người vượt qua những thời điểm khó khăn.

Hãy nhớ rằng để sống tích cực là một hành trình

Không thể sau một đêm bạn đã biến thành con người tích cực. Rốt cuộc, bạn phải điều chỉnh lại bản năng tự nhiên của bộ não. Nhưng miễn là bạn luôn có một cái nhìn tích cực hơn, cuối cùng tâm trí của bạn cũng sẽ như vậy. "Bạn đang thực sự đào tạo bộ não của mình. Bạn đang huấn luyện nó làm một việc khác với những gì nó muốn làm", Olivo nói.

Theo VNEXPRESS

Chia sẻ