Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Người bệnh tiểu đường thừa cân, béo phì giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giúp giảm đường huyết, làm chậm tiến triển bệnh.
Giảm cân giúp người tiểu đường quản lý bệnh tốt hơn.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh mang lại nhiều lợi ích và giúp quản lý tiểu đường type 2 tốt hơn. Dưới đây là 8 lợi ích khi người bệnh giảm cân thành công.
Cải thiện tình trạng kháng insulin
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Bệnh tiêu hóa và Bệnh thận Mỹ, kháng insulin ở người bệnh type 2 rất phổ biến. Đây là tình trạng cơ thể sử dụng hormone insulin không hiệu quả để đưa glucose (đường) từ máu vào tế bào, dẫn đến tăng đường huyết.
Kháng insulin thường liên quan đến thừa cân, béo phì. Giảm cân làm giảm phản ứng viêm, độ nhạy cảm của insulin tăng lên. Nhờ đó cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
Kết quả xét nghiệm đường huyết tốt hơn
Độ nhạy insulin cải thiện khi giảm trọng lượng giúp điều chỉnh đường huyết, xét nghiệm A1C (mức đường huyết trung bình trong ba tháng) cũng tốt hơn. Nghiên cứu năm 2016 của Đại học Y Johns Hopkins (Mỹ) trên gần 3.500 người bệnh tiểu đường type 2 cho thấy mức A1C giảm sau 6-12 tháng giảm cân. Mức độ giảm cân tùy thuộc vào kế hoạch của mỗi người.
Giảm huyết áp, cải thiện cholesterol
Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra cholesterol và huyết áp cao, bệnh động mạch vành. Nhiều cholesterol xấu (LDL), chất béo trung tính trong cơ thể dẫn đến tích tụ mảng bám trên thành động mạch. Tổn thương thành động mạch có thể gây biến chứng tim mạch cho người tiểu đường.
Nghiên cứu năm 2016 của Đại học Y khoa Nam Carolina (Mỹ) trên 400 người thừa cân hoặc béo phì cho thấy người giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giảm đáng kể lượng chất béo trung tính, cholesterol xấu, đường huyết lúc đói. Người giảm hơn 10% cân nặng trở lên cải thiện các tình trạng này nhiều hơn.
Giảm nguy cơ tổn thương mạch máu
Béo phì và kháng insulin ở người tiểu đường có liên quan viêm mạch máu. Khi béo phì tiến triển, các tế bào mỡ to ra và căng thẳng, làm tăng viêm nhiễm. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ, điều này có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, lâu dần gây xơ vữa động mạch. Tập thể dục và duy trì cân nặng phù hợp giảm kháng insulin, dẫn đến giảm viêm trong máu, ngăn ngừa tổn thương mạch máu.
Giảm ngưng thở khi ngủ
Người bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ cao ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Giảm cân có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, tác động tích cực đến kiểm soát bệnh tiểu đường.
Ngủ ngon giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Trong khi đó, mất ngủ làm tăng tình trạng kháng insulin, tăng cảm giác đói, thèm ăn do rối loạn hormone. Chế độ ăn uống kém và lười tập thể dục giảm cân khiến tăng, hạ đường huyết.
Tăng khả năng vận động
Theo nghiên cứu năm 2012 của CDC Mỹ và Đại học Wake Forest (Mỹ), người tiểu đường type 2 có nguy cơ gặp các vấn đề về vận động cao gấp đôi người không mắc bệnh. Người tiểu đường cũng thường mắc bệnh xương khớp do tổn thương thần kinh, béo phì, bệnh động mạch. Cân nặng phù hợp giúp vận động linh hoạt hơn, tránh ảnh hưởng xương khớp.
Làm chậm tiến triển bệnh
Theo Hiệp hội Y khoa Mỹ, người tiền tiểu đường duy trì cân nặng phù hợp làm giảm nguy cơ tiến triển thành tiểu đường type 2. Đồng thời tình trạng kháng insulin được cải thiện, có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa biến chứng phát sinh. Duy trì cân nặng chuẩn giúp người bệnh khỏe mạnh hơn.
Để giảm cân thành công, ngoài tập thể dục, người bệnh cần ăn uống lành mạnh như ăn nhiều rau củ quả, thịt nạc và protein thực vật. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn và đồ uống nhiều đường.
Theo VNE