Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. 86 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng lãnh đạo nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những thành tựu vĩ đại. Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài về chặng đường xây dựng và trưởng thành vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 ở thành phố Tua (nước Pháp) tháng 12-1920
Bài 1: Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Hơn 100 năm đã qua kể từ ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng đáp tàu vượt biển lên đường sang Pháp. Chuyến đi ấy đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh Tổ quốc, mở ra một trang lịch sử mới, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ, nghèo khổ, lạc hậu tiến lên trở thành quốc gia độc lập tự chủ và đang vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Trong cuộc trường chinh vạn dặm của mình, Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.
Năm 1917, Người trở lại nước Pháp, đến Paris và năm 1919 gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6-1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Vécxây. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12-1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, không những Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý luận cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh” (tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người khẳng định, muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một Đảng lãnh đạo, Đảng có vững, cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.
Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (ở Liên Xô trước đây) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi.
Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930. Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Hội nghị thông qua lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3-2 dương lịch hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Có thể thấy, trong 30 năm sau ngày rời Tổ quốc ra đi, Nguyễn Tất Thành đã sống và hoạt động cách mạng ở Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… đã tiếp xúc với các nền văn minh trên thế giới và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Sự từng trải và thông thái ấy thể hiện trong mỗi lời nói và cử chỉ của nhà cách mạng Hồ Chí Minh, khiến cả thế giới khâm phục. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới. Tạp chí Time danh tiếng của Mỹ bình chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX. Điều đó chứng tỏ cá nhân Hồ Chí Minh có vai trò hết sức nổi trội trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Không ai có thể phủ nhận nước Việt Nam được vẻ vang như ngày nay là nhờ may mắn có một người tài ba lỗi lạc dẫn đường. Con người ấy thấm nhuần hai nền văn hóa Đông Tây và các tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại, giàu sức sáng tạo, biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết.
Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là biểu tượng sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Trong 86 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta ngày càng khẳng định là Đảng cách mạng chân chính, mãi mãi là niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân.
P.V (tổng hợp)