Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong một lần đến Hà Nội, có cơ hội được hòa mình vào rất nhiều đại diện đến từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam, khi tôi lên tiếng “Dạ! em đến từ Bình Dương”, mọi sự trầm trồ và ánh mắt ngưỡng mộ đổ dồn về phía tôi. Ngay lúc đó, một chị giọng Hà Thành vui cười xoa vai tôi: “À, thì ra đây là đại diện của vùng đất đầy năng động đây sao?”. Tôi có phần hơi ngượng nhưng trong lòng vui như mở hội.
Một người Nhật đã sinh sống 2 năm tại Bình Dương và rất yêu mến Bình Dương. Hình ảnh trích từ video chương trình “Tôi yêu Bình Dương”
Và khi đó, tôi đã nhận ra, âm thanh tự hào dân tộc sẽ phát ra khi chúng ta đứng trước các quốc gia khác trên thế giới. Âm thanh tự hào quê hương sẽ phát ra khi chúng ta đứng trước các anh em khu vực khác. Tôi gọi đây là “âm thanh tự hào quê hương”, bởi lẽ nó rộn ràng và hân hoan hơn bất kỳ thứ nhạc cụ nào. Nhạc to thì nghe rõ, nhưng không thể làm trái tim bồi hồi và rạo rực bằng “âm thanh quê hương”. Tất cả những âm thanh tự hào ấy tôi sẽ cố gắng viết ra thành lời, vì tôi tin rằng bạn cũng sẽ cảm nhận được nếu bạn đến nơi đây - Bình Dương, quê hương tôi!
Báo Bình Dương đang phát động cuộc thi tác phẩm báo chí về chủ đề “Tôi yêu Bình Dương” lần 2 - năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết về cuộc thi, mời quý độc giả quét mã QR: ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
|
Tôi, một cô gái chính gốc Bình Dương hay đùa vu vơ theo các bạn trẻ khi nói mình đã trải qua hơn 30 nồi bánh chưng ở mảnh đất thân thương này. May mắn thay, tôi được làm việc và tiếp xúc trong môi trường có thể nhìn thấy rõ nét sự lớn lên từng ngày của quê hương tôi. Điều này càng thôi thúc sự cống hiến trong tôi mỗi ngày.
Bình Dương là tỉnh nhận được sự quan tâm đầu tư rất mạnh của các đối tác Nhật Bản. Từ kinh tế, văn hóa, xã hội và ngay cả giáo dục - mảng lĩnh vực cầu nối giữa Bình Dương - Nhật Bản, trong đó có tôi. Ngược về 10 năm hay xa hơn là 20 năm trước, hẳn mọi người chỉ có thể nhớ đến Bình Dương với những hàng cao su tăm tắp, những ruộng lúa, hình ảnh những vùng đất trống còn hoang sơ… Tôi ngày đó vẫn còn học ở ngôi trường làng, thỉnh thoảng buổi sáng không có giờ học cũng phải theo mẹ đi trút mủ cao su. Đó chính là tuổi thơ của tôi.
Giật mình khi trở lại những nơi cũ ngày xưa, giờ đây đã xuất hiện ngày càng nhiều những tòa nhà cao tầng, đường sá rộng rãi, cây xanh bao phủ, khu công nghiệp, trung tâm hành chính… Tất cả như thể một phép nhiệm màu bao lấy Bình Dương và khoác lên một chiếc áo mới toanh lộng lẫy và hiện đại. Bạn bè tôi vẫn hay thán phục “Bình Dương xịn quá, Bình Dương đẹp thật ấy, tòa nhà hành chính của Bình Dương không lẫn vào đâu được…”. Cơn mưa lời khen ào ạt dành cho tôi như thể tôi là người đã làm nên sự “xịn xò” này vậy, thật ngại nhưng cũng thật vui.
Thời điểm tham gia ngày hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, tôi cũng hơi lo vì không biết những nét hiện đại, mới mẻ của Bình Dương có làm khuất lấp hết những nét văn hóa vốn có của Bình Dương tôi không, tôi sợ bạn bè quốc tế không nhận ra điều gì đặc biệt của quê tôi? Nhưng rồi tôi nhận thấy gốm sứ, sơn mài, làng tre, hoa quả, con người... vẫn nguyên vẹn. Các cô chú vẫn miệt mài vẽ từng chú heo đất đầy màu sắc một cách tỉ mỉ. Những bức tranh sơn mài vẫn được gửi đến khắp bạn bè trong và ngoài nước. Những rặng tre vẫn nghiêng mình bao lấy sự bình yên thôn xóm. Những quả măng cụt, sầu riêng… vào mùa vẫn ngọt lịm, thơm nức chào đón khách du lịch.
Người Bình Dương vẫn chăm chỉ từng ngày, thân thiện và tiếp thu những điều mới mẻ, học hỏi những điều hay từ bạn bè các nước và các vùng lân cận. Nhưng tất cả vẫn luôn gìn giữ và bảo tồn những điều mãi là của Bình Dương. Một ngày nọ, đến một vùng đất mới, bạn hãy nói về Bình Dương với những điều hân hoan này và đặt tay lên ngực trái rồi thì thầm: Bạn có nghe “âm thanh tự hào quê hương” ?
NGUYỄN THỊ TUYẾT TRINH