Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Là địa phương cửa ngõ nằm hướng đông nam của huyện Dầu Tiếng, xã An Lập có nhiều tiềm năng kết nối liên vùng tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Với sự chung sức, chung lòng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, những năm gần đây nền kinh tế của An Lập đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hệ thống giao thông nông thôn ở xã An Lập được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp
Chung tay xây dựng
Giai đoạn 2016-2020, xã An Lập đã thực hiện thành công nhiều mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hoạt động đầu tư công cùng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng giao thông nông thôn là một điểm nhấn. Chỉ riêng năm 2020, xã An Lập đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bê tông xi măng và nhựa trên địa bàn các ấp Hố Cạn, Phú Bình, Đất Đỏ, Chót Đồng với tổng chiều dài 3.778m, kinh phí đầu tư 6,5 tỷ đồng. Đồng thời tiến hành thi công 3 tuyến đường tại ấp Phú Bình, Bàu Khai, Hố Cạn với chiều dài 1.320m, tổng kinh phí đầu tư 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tuyến đường chưa đáp ứng đủ điều kiện để bê tông, nhựa hóa, xã cũng vận động nhân dân thực hiện tu sửa, nâng cấp để bảo đảm việc di chuyển và sinh hoạt của người dân thuận tiện.
Ông Đỗ Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã An Lập cho biết, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xã cũng chỉ đạo các ấp vận động, tuyên truyền nhân dân trồng hoa ở các tuyến đường, giữ gìn vệ sinh nông thôn sạch đẹp. Ông Cao Văn Chinh, người dân ấp Phú Bình cho biết, khi nghe xã vận động về việc hiến đất và quyên tiền để xây dựng giao thông nông thôn, người dân hưởng ứng nhiệt tình. Trong quá trình xây dựng, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, người dân cũng trực tiếp tham gia góp công lao động và giám sát tiến độ thi công, chất lượng công trình.
Kinh tế khởi sắc
Cũng như nhiều địa phương khác ở Dầu Tiếng, An Lập được biết đến là một trong những địa phương có diện tích chuyên canh cây cao su lớn. Trong bối cảnh giá cả mủ cao su giảm thấp trong những năm qua, đời sống của người dân nơi đây đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, nền kinh tế An Lập đã có nhiều biến chuyển tích cực.
Ông Đỗ Văn Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lập cho biết, thời gian qua, xã đã phối hợp ngành chức năng huyện thực hiện định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, cây - con giống để giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Những vườn cây ăn quả có múi, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng vì thế mà xuất hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê của UBND xã An Lập, đến nay, trên địa bàn xã có 14 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn gia súc khoảng 20.000 con, gia cầm có khoảng 290.000 con. Trong khi đó, diện tích cây ăn trái và các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như hoa lan, dưa lưới, nha đam… đạt khoảng 60 ha và có xu hướng tăng lên hàng năm.
Hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn xã An Lập trong thời gian qua cũng có nhiều khởi sắc. Tính đến đầu năm 2021, trên địa bàn xã có 268 hộ kinh doanh cá thể, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Một dấu hiệu khác cho thấy An Lập đang trên đường phát triển và có tiềm năng trở thành một địa phương có nền kinh tế - xã hội năng động là số lượng doanh nghiệp và cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ đang tăng nhanh. Đến nay, xã có 24 doanh nghiệp và 190 cơ sở tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động.
ĐÌNH THẮNG