Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
An toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn bán trú là vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với học sinh (HS). Bữa ăn bán trú không chỉ là nơi cung cấp năng lượng mà còn nuôi dưỡng sức khỏe và hình thành thói quen ăn uống cho các em. Chính vì vậy, việc bảo đảm các bữa ăn sạch sẽ, an toàn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh và cơ sở giáo dục.
Nhân viên nhà bếp Trường Mầm non Hoa Mai (TP.Thủ Dầu Một) tuân thủ nghiêm các quy định khi chuẩn bị bữa ăn bán trú cho trẻ
Chăm lo bữa ăn bán trú
Trường Mầm non Hoa Mai (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) hiện có 530 trẻ. Song song với các hoạt động dạy và học, công tác tổ chức bữa ăn bán trú luôn được quan tâm bởi đây là một trong những yếu tố để trẻ mầm non phát triển toàn diện. Cô Lê Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết bếp ăn của trường vận hành theo quy trình một chiều, được bố trí ở khu vực riêng cách xa lớp học, quy trình vận hành thức ăn lên xuống các lớp bằng hệ thống 2 thang nâng. Hiện tại, trường có 11 nhân viên cấp dưỡng để chế biến những bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ.
“Nhà trường rất chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả thực phẩm đều được chọn lựa kỹ, có nguồn gốc rõ ràng. Thời gian ở trường, các bé được ăn 4 bữa/ngày gồm bữa sáng, bữa trưa, bữa phụ xế và bữa chiều. Nhà trường tính khẩu phần ăn của trẻ bằng phần mềm dinh dưỡng để bảo đảm cân đối về định lượng và cân đối dưỡng chất. Đồng thời, trường còn tổ chức tốt bữa ăn tại lớp với hình thức bữa ăn tự phục vụ, tạo bầu không khí vui vẻ giúp trẻ ăn ngon miệng, hết suất”, cô Tuyết Mai cho biết thêm.
Còn tại Trường Tiểu học Bến Súc (huyện Dầu Tiếng) có gần 50% HS tham gia bán trú tại trường. Mỗi ngày các em được bếp ăn của trường phục vụ một bữa chính và một bữa phụ. Bếp ăn của trường được xây dựng theo quy trình một chiều và hợp tác với các cơ sở phân phối thực phẩm có uy tín trên địa bàn.
Cô Nguyễn Thị Mai Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bến Súc, cho biết đối với bữa ăn bán trú, nhà trường luôn chú trọng 2 khâu là cung cấp thực phẩm và chế biến. Đối với nguồn cung cấp thực phẩm phải bảo đảm. Khi công ty giao thực phẩm tới, Ban vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) của nhà trường sẽ thường xuyên kiểm tra. Đối với các nhân viên nhà bếp sẽ phải tổng vệ sinh sạch sẽ trước khi bước vào nấu nướng. Trong quá trình chế biến, nhà bếp sẽ tiến hành lưu mẫu thức ăn cả mẫu sống và mẫu chín theo quy định.
Có thể nói ở mỗi cấp học, việc thực hiện bữa ăn bán trú cho các em không giống nhau tùy vào độ tuổi của các em HS. Tại các trường học, thực đơn được xây dựng trước hàng tuần với đa dạng món ăn, đủ các nhóm chất nhằm bảo đảm dinh dưỡng. Bữa ăn bán trú không chỉ đơn thuần là cung cấp năng lượng cho các em HS mà còn góp phần quan trọng vào việc hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và bảo đảm sức khỏe cho các em.
Cần giám sát chặt chẽ
Hiện tại, các trường học tổ chức bữa ăn bán trú có thể lựa chọn hình thức hoạt động của bếp ăn như bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho HS; đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài. Chính vì vậy, chất lượng bữa ăn bán trú trong nhà trường luôn là vấn đề các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra bếp ăn các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Thuận An. Ảnh: KIM HÀ
Anh Đinh Văn Đức ở phường Thái Hòa (TP.Tân Uyên), chia sẻ: “Theo tôi việc các trường công khai, minh bạch thực đơn là chưa đủ. Điều mà chúng tôi mong muốn là các trường phải làm sao quản lý chặt chẽ hơn nữa các khâu chế biến để bảo đảm ATTP, dinh dưỡng trong bữa ăn. Có như vậy thì chúng tôi yên tâm hơn”.
Đối với vấn đề ATTP tại các trường học, ngoài việc kiểm tra của cơ quan chức năng, việc giám sát, kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào là rất quan trọng. Là một trong những nhân viên có kinh nghiệm trong nấu ăn bán trú cho HS, cô Nguyễn Lê Ngọc Như, tổ trưởng tổ cấp dưỡng của bếp ăn Trường Mầm non Hoa Mai (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Để bảo đảm ATTP, chúng tôi luôn tuân thủ quy trình một chiều, từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến chế biến và phục vụ. Tất cả thực phẩm đều được chọn lựa kỹ càng, có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm. Nhân viên nhà bếp được tập huấn thường xuyên về vệ sinh ATTP, luôn thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm, phối hợp chặt chẽ với nhà trường kiểm tra kỹ càng các công đoạn, nhất là khâu tiếp nhận thực phẩm đầu vào hàng ngày”.
Không chỉ kiểm tra nguồn cung ứng thực phẩm đầu vào, thời gian qua các địa phương cũng đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học; tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn bán trú, ngoài sự nỗ lực của nhà trường, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Phụ huynh cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng nhau bảo vệ sức khỏe cho con em mình.
HỒNG PHƯƠNG