| 13-09-2024 | 14:43:24

Anh: Cuộc đua nóng bỏng của đảng Bảo thủ

Sau khi đánh mất chiếc ghế quyền lực về tay Công đảng, đảng Bảo thủ Anh ngay lập tức có sự thay đổi lớn, trước mắt là việc tìm người mới cho vị trí lãnh đạo đảng thay ông Rishi Sunak. Một cuộc đua “nóng bỏng” đang diễn ra giữa 5 người được cho là ứng viên tiềm năng nhất.

Cuộc đua ban đầu bao gồm 6 người, nhưng sau vòng bỏ phiếu sơ bộ ngày 4/9, cựu Quốc vụ khanh Nội vụ Priti Patel đã bị gạch tên, trong khi cựu Bộ trưởng nhà nước về di trú Robert Jenrick được chọn đứng đầu cuộc đua khi có sự ủng hộ của 28 nghị sĩ, xếp trên bà Kemi Badenoch (giành được 22 phiếu bầu) và ông James Cleverly (21 phiếu bầu). Bà Patel đứng cuối danh sách với chỉ 14 phiếu bầu, xếp sau các ứng viên Mel Stride (16 phiếu bầu) và Tom Tugendhat (17 phiếu bầu). Kết quả trên được đánh giá là sát nút hơn nhiều so với dự đoán.

Cựu Bộ trưởng nhà nước về di trú Robert Jenrick dẫn đầu cuộc đua sau vòng sơ bộ.

Luke Tryl, cựu cố vấn của đảng Bảo thủ, hiện đang điều hành công ty thăm dò ý kiến More in Common, cho biết: “Đây là cuộc bầu cử rộng mở hơn nhiều so với dự đoán của mọi người. Hội nghị của đảng sẽ cực kỳ quan trọng”.

Mặc dù ông Jenrick không phải là một trong những ứng cử viên nổi bật hơn trong công chúng, nhưng ông đã giành được sự ủng hộ tại Westminster bằng cách chuyển sang cánh hữu, đặc biệt là về vấn đề di cư, bất chấp danh tiếng trước đây của ông là một người theo chủ nghĩa trung dung.

John Lamont, một trong những nghị sĩ ủng hộ ông Jenrick, đánh giá: “Ông ấy là ứng cử viên duy nhất có thể đoàn kết mọi bộ phận trong đảng”. Một nghị sĩ khác mô tả chiến dịch tranh cử của ông Jenrick trong suốt mấy tháng qua là “năng động”, đồng thời nói thêm rằng ông đã rèn luyện kỹ năng nói của mình trong thời gian đó.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Badenoch đã dẫn đầu các cuộc thăm dò gần đây của các thành viên đảng Bảo thủ, nhưng hiện đang phải đối mặt với một cuộc chiến để trở thành một trong hai ứng cử viên bước vào vòng bỏ phiếu cuối cùng.

Ứng viên Badenoch là người ủng hộ quan điểm cánh hữu thẳng thắn về các vấn đề bản sắc và văn hóa, hiện đang tự giới thiệu mình với các đồng nghiệp là người trung dung hơn trong hai ứng cử viên hàng đầu. “Bà ấy có nền tảng chính sách rộng hơn và thu hút được nhiều thành phần trong đảng hơn”, một phụ tá của bà Badenoch cho biết.

Tim Montgomerie, người sáng lập trang web Conservative Home, cho biết: “Một số thành viên nghi ngờ về mức độ chân thành của ông Jenrick trong bài phát biểu của mình. Ông ấy còn rất nhiều việc phải làm, trong khi sự ra mắt của bà Badenoch thực sự gây được tiếng vang với rất nhiều người”.

Ở phía cánh tả của đảng, cựu Quốc vụ khanh về Nội vụ và Ngoại giao Cleverly nhận được nhiều sự ủng hộ hơn đáng kể so với cựu Bộ trưởng nhà nước về an ninh Tugendhat. Trong khi cả hai người đều điều hành các chiến dịch tập trung nhiều vào an ninh quốc gia, ông Cleverly hiện có nhiều khả năng lọt vào vòng chung kết.

Một người ủng hộ ông Tugendhat gọi thành tích của ông là “khá đáng thất vọng”. Một người ủng hộ ông Cleverly mô tả cuộc thi hiện là giữa ông Jenrick và bà Badenoch bên phải và ông Cleverly ở giữa.

Những người ủng hộ bà Patel đã bày tỏ thất vọng về kết quả, đặc biệt là khi bà có vị thế tương đối cao với tư cách là cựu Quốc vụ khanh Nội vụ và từng là người được phe cánh hữu của đảng Bảo thủ yêu mến. Bà là ứng cử viên nổi tiếng nhất bên ngoài Westminster. Bà cũng từng là đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Boris Johnson nhưng không trở lại hàng ghế đầu sau khi ông Johnson từ chức.

“Cuộc đua rất rộng mở”, một đảng viên Bảo thủ cấp cao cho biết. “Hầu như không có sự ủng hộ nào của công chúng nên không ai có thể biết ai là người được yêu thích. Các cuộc thăm dò ý kiến công chúng diễn ra ở khắp mọi nơi. Thường thì chúng chỉ dựa trên việc ai đã trả tiền cho cuộc thăm dò”.

Cựu Quốc vụ khanh về Thương mại Badenoch và cựu Bộ trưởng nhà nước về di trú Jenrick là những người cũng được yêu thích - nhưng cả hai đều có những người chỉ trích đáng kể và đang tìm cách thu hút cử tri trong cùng một nhóm cử tri.

Các con số cực kỳ sít sao vì sự suy yếu của các đảng phái trong nghị viện. Với 6 ứng cử viên cần 10 nghị sĩ ủng hộ, ít nhất 60 trong số 121 nghị sĩ của đảng đã được tính đến. Một phần đáng kể nữa khó có thể tuyên bố công khai, bao gồm cả đảng viên và các thành viên ban lãnh đạo đảng. “Thành thật mà nói, có khoảng 30 nghị sĩ sẽ quyết định ở giai đoạn đầu tiên”, một nguồn tin cấp cao trong chiến dịch cho biết.

Một người trong cuộc của đảng Bảo thủ cho biết họ tin rằng khoảng 30 nghị sĩ sẽ không công khai ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào, thay vào đó, họ sẽ tuyên thệ trung thành với một số ứng cử viên. “Nhóm lớn nhất trong số các nghị sĩ đảng Bảo thủ là những người theo chủ nghĩa sự nghiệp. Họ chỉ muốn ủng hộ người chiến thắng”.

Vòng bỏ phiếu tiếp theo sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9 này để rút danh sách xuống còn 4 ứng cử viên. Sau đó, các nghị sĩ sẽ tiếp tục bỏ phiếu để thu hẹp danh sách xuống còn 2 người. Kết quả của vòng bỏ phiếu này sẽ được công bố vào ngày 2/11.

Ông Jenrick, ứng cử viên dẫn đầu cuộc bỏ phiếu ngày 4/9, là người từng thân thiết với đương kim lãnh đạo Rishi Sunak, nhưng đã tự “đổi mới” mình thành một người theo đường lối cứng rắn về vấn đề di cư để giành được nhiều sự ủng hộ nhất, bao gồm cả các nghị sĩ cấp cao bên cánh hữu. Trong khi đó, bà Badenoch và ông Cleverly đều bác bỏ ý tưởng rời khỏi Ủy ban Nhân quyền châu Âu (ECHR) mặc dù một số đồng nghiệp của họ kêu gọi nên rời khỏi ủy ban này. Cuộc đua vì thế sẽ ngày càng trở nên “nóng bỏng” hơn khi các ứng viên đưa ra chính sách nhằm thu hút lá phiếu.

Theo CAND

Chia sẻ