Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bài 2: Từ ngọn lửa chiến thắng Phước Thành
Phát huy truyền thống anh dũng trong chiến thắng Phước Thành năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo đã ra sức thi đua trên nhiều lĩnh vực để đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh, mạnh và bền vững…
Trong những ngày cuối tháng 4 nắng gắt, chúng tôi ngược lên thăm huyện Phú Giáo, vùng đất gắn liền với chiến thắng Phước Thành vang dội năm xưa. Vượt qua những con đường nhựa tại các xã nông thôn mới của huyện, chúng tôi thấy thấp thoáng trong những vườn cao su xanh mát là những ngôi nhà xây kiên cố, những trang trại chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn những con đường tại trung tâm huyện lỵ của huyện Phú Giáo đang được chỉnh trang rộng rãi, đẹp đẽ hơn. Cùng với đó, cờ hoa, băng rôn cũng được trang hoàng rực rỡ tại các tuyến đường chính để chào mừng 41 năm Ngày giải phóng miền Nam và chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Diện mạo mới của huyện Phú Giáo hôm nay. Ảnh: C.SƠN
Ghé thăm Nhà truyền thống huyện Phú Giáo, nơi từng là dinh tỉnh trưởng Phước Thành năm xưa, nay còn lưu giữ nhiều hiện vật của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi lại càng thêm khâm phục ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân Phước Thành. Ngày 22-10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh 143/NV thành lập tỉnh Phước Thành gồm 3 quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo. Trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Phước Vĩnh, do thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn làm Tỉnh trưởng với ý đồ xây dựng Phước Thành thành một tiểu khu mạnh cùng với Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long, tạo thành một hệ thống cứ điểm quân sự liên hoàn bao vây chia cắt Chiến khu Đ với Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đ với Nam Tây nguyên; đồng thời tạo thành tuyến phòng thủ về hướng đông và đông bắc Sài Gòn, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với miền Nam. Với quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định của địch, lực lượng ta đã kịp thời đưa ra các phương án thích hợp để chiến đấu. Khoảng 23 giờ 30 phút đêm 17-9-1961, trận đánh bắt đầu đến 1 giờ 30 phút sáng ngày 18-9-1961, ta làm chủ trận địa. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng chiếm đóng gần 2.000 tên gồm 1 tiểu đoàn biệt động, 1 tiểu đoàn bảo an, 1 chi đội thiết giáp, 1 đại đội pháo 105 ly, 1 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 1 đại đội dân vệ; tiêu diệt hoàn toàn tiểu khu Phước Thành, chi khu Phú Giáo cùng toàn bộ bộ máy hành chính của địch, tiêu diệt tên tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn.
Phát huy truyền thống chiến thắng Phước Thành năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo đã và đang chung sức, chung lòng, phát huy các lợi thế nguồn lực, vượt qua khó khăn, thách thức tập trung lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng và kiện toàn hệ thống chính trị, giữ vững đoàn kết nội bộ. Với sự đồng lòng nhất trí, trong suốt thời gian dài, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Giáo tiếp tục ổn định và đạt tăng trưởng đều qua các năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ của huyện những năm qua đều gia tăng hợp lý; cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển và giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của huyện. Đến năm 2015, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Phú Giáo ước đạt 3.382 tỷ đồng, tăng 5,06% so với năm 2014 và vượt từ 5 - 6% so với chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 2.258 tỷ đồng, tăng 7,33% so với năm 2014. Về thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 19,18% so với năm 2014 và tăng từ 19 - 22% so với nghị quyết HĐND huyện đề ra. Tổng thu mới ngân sách Nhà nước ước thực hiện đạt 158 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết HĐND đề ra.
Về cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi; trong đó tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 70,4% năm 2014 xuống còn 69,8% năm 2015; tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 29,6% năm 2014 tăng lên 30,5% năm 2015. Về nông nghiệp, tổng diện tích trồng trọt toàn huyện đạt gần 40.000 ha; trong đó diện tích gieo trồng cây hàng năm hơn 2.856 ha, giảm 3,87% so với năm 2014. Diện tích giảm chủ yếu là cây lương thực và khoai mì, do phần lớn diện tích được trồng xen trong diện tích cây cao su nay đã khép tán nên người dân không trồng cây hàng năm được. Đối với diện tích trồng cây lâu năm, năm 2015 đạt hơn 36.246 ha; trong đó diện tích cây cao su hơn 35.246 ha, diện tích cây điều hơn 525 ha, diện tích cây tiêu hơn 285 ha.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm thường xuyên, tăng mức đầu tư ngân sách hàng năm, bảo đảm nhu cầu giảng dạy học tập, chăm sóc sức khỏe; thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thế trận quốc phòng toàn dân được bảo đảm, xây dựng tốt các kế hoạch phòng thủ, tác chiến, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xấu xảy ra. An ninh chính trị được giữ vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành quản lý của chính quyền thông suốt, hiệu lực hiệu quả. Vai trò của các tổ chức Đảng ở cơ sở thật sự là hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị; chính quyền cơ sở ngày càng thân thiện, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân; công tác dân vận đã vận động quần chúng thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng Đảng bộ, chính quyền địa phương trong sạch vững mạnh.
Những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua là tiền đề quan trọng cho huyện Phú Giáo phát triển mạnh hơn, vững chắc hơn trong những năm tới. Những kết quả trên còn là biểu hiện rõ ràng cho tinh thần đồng lòng nhất trí của cán bộ, quân và dân Phú Giáo. Từ tinh thần trên, huyện Phú Giáo đã có bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng lên. Chúng tôi tìm đến thăm nhà cựu chiến binh Nguyễn Hữu Giáo, khu phố 6, thị trấn Phước Vĩnh. Ông Giáo là người đã từng tham gia nhiều trận đánh trên vùng đất Đông Nam bộ với các trận đánh Phước Thành, Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã chọn Phú Giáo là vùng đất gắn bó lâu dài. Ông Giáo nói: “Là người con của vùng đất Bình Dương, Phú Giáo tôi rất tự hào về truyền thống của quê hương. Với Phú Giáo, vùng đất tôi gắn bó lâu nay, chứng kiến sự đi lên mạnh mẽ của vùng đất tôi càng khâm phục những đóng góp về xương máu, công sức của nhân dân tại đây. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều cựu chiến binh như tôi đã tiếp tục ra sức lao động sản xuất; khai hoang, san lấp hố bom để phủ xanh những vùng đất từng là chiến trường ác liệt năm xưa”.
Trong giai đoạn 2015-2020, huyện Phú Giáo đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Phú Giáo trở thành huyện nông thôn mới.
Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những kết quả đã đạt được trong thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là nền tảng cơ bản để Phú Giáo có sức bật mới phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới. (còn tiếp)
CAO SƠN - KIẾN GIANG