Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhìn di ảnh đứa con gái xấu số, ôm đứa cháu ngoại tội nghiệp là cháu Nguyễn Tiến Quân, 3 tuổi, bà Nguyễn Thị Cầm, sinh năm 1952, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo rưng rưng nước mắt.
Bà kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của mình. Bà cho biết quê gốc của bà ở Ninh Bình, năm 1977, bà đi thanh niên xung phong lên Lai Châu làm kinh tế mới, bà được đơn vị cử đi học y tá sau đó điều về công tác tại bệnh viện tỉnh Lai Châu. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, bà được điều sang công tác tại bộ phận quân y, thuộc tỉnh đội Lai Châu, rồi sau đó bà lấy chồng cũng là một đồng chí công tác trong tỉnh đội. Năm 1984 đứa con gái đầu và cũng là duy nhất của vợ chồng bà là Bùi Thúy Vân Thanh chào đời. Niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, thì năm 1986 chồng bà qua đời để lại người vợ trẻ và đứa con côi cút. Cuộc sống vùng quê nghèo quá khó khăn, năm 1988, bà ôm con vào Bình Dương và đến định cư tại xã Vĩnh Hòa từ đó đến nay.
Bà Nguyễn Thị Cầm và cháu Nguyễn Tiến Quân trong ngôi nhà cô quạnh
của mình Ảnh: H.PHƯƠNG
Bà cho biết cách đây hơn chục năm, chị Thanh có quen một chàng thanh niên quê ở Vĩnh Long lên đây làm thuê, làm mướn. Bà không đồng ý cho chị Thanh nên nghĩa vợ chồng vì bà muốn con gái lấy chồng ở địa phương cho có mẹ có con mà nương tựa nhau, thì hai người dắt nhau bỏ đi. Đến khi chị Thanh có mang hai người mới dắt nhau quay về. Thương con, thương cháu nên bà chấp nhận cho hai người ở với nhau mà không cưới xin gì cả. Năm 2011, chị Thanh sinh đứa con thứ hai là cháu Nguyễn Tiến Quân, khi sinh ra cháu đã bị hở lồng ngực. Những tưởng bi kịch đối với bà đến đây đã hết thì đến cuối năm 2013 chị Thanh đột ngột qua đời, để lại hai đứa con thơ dại, đứa lớn mới hơn 7 tuổi, còn cháu Quân mới một tuổi rưỡi. Cũng lúc này người con rể không chính thức của bà dắt đứa con gái ra đi.
Một phần vì gắng sức chịu đựng chạy chợ nuôi cháu, một phần tuổi già, trong người bà bắt đầu phát sinh nhiều chứng bệnh, trong đó bà bị bệnh huyết áp, tụt canxi và tim mạch thường xuyên, rồi căn bệnh u xơ cổ tử cung cũng hay tái phát hành hạ bà khiến cho cuộc sống của hai bà cháu đã khó khăn càng khó khăn hơn. Do không có vốn để thuê mặt bằng kinh doanh trong chợ, bà phải thuê mặt bằng dọc ven đường quanh khu vực chợ Phước Vĩnh để buôn bán, hai bà cháu sống qua ngày. Bà cho biết, trước kia chị Thanh còn sống, hai mẹ con nương tựa vào nhau, chăm lo làm ăn, buôn bán nên cuộc sống cũng tương đối ổn định. Từ ngày chị Thanh mất, mọi tai ương cứ dồn dập đến với bà. Do phải thuê mướn mặt bằng hàng ngày, nên nếu bệnh đau phải nghỉ khoảng 1 tuần là bà mất chỗ ngồi bán. Rồi cũng do thuê mướn mặt bằng nên thu nhập rất bấp bênh. Bà cho biết nếu khỏe mạnh thì mỗi ngày buôn bán lời được từ 50.000 - 70.000 đồng, bữa nào khá hơn thì được 90.000 - 100.000 đồng. Ngày nắng thì vậy, còn ngày mưa, ngày ốm đau thì đói. Cũng có những hôm bà con bạn hàng quanh đó thương tình cho bà cháu vài chục mua đồ ăn, hoặc cho ít gạo, con cá về bồi bổ sức khỏe. Còn về bệnh tình của cháu Quân, bà Cầm cho biết: “Mỗi năm phải đưa cháu về Bệnh viện Nhi Đồng II TP.Hồ Chí Minh khám, điều trị và lấy thuốc một lần theo yêu cầu của bác sĩ. Mặc dù cháu có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng mỗi lần khám, lấy thuốc cháu phải đóng 50% chi phí với số tiền 5 - 6 triệu đồng”.
Nói về hoàn cảnh của bà cháu bà Cầm, chị Mã Thị Trang, một người buôn bán tại chợ Phước Vĩnh và cũng là người thường xuyên giúp đỡ bà Cầm, cho biết: “Tội nghiệp bà Cầm lắm, tuổi già sức yếu, bệnh tật liên miên lại còn phải nuôi đứa cháu cũng bị bệnh bẩm sinh, sức nào mà chịu nổi. Hàng ngày từ 3 - 4 giờ sáng bà ấy lại chở thằng nhỏ đi lấy hàng rồi ngồi đến trưa thằng nhỏ mới được về nhà. Cả hai tháng nay bà Cầm bệnh nằm ở nhà chẳng buôn bán được, sống nhờ 340.000 đồng tiền chế độ của thằng cháu và chị em quanh đây quyên góp”.
Rất mong những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bà cháu bà Cầm để cuộc sống của bà vơi khó khăn, để căn bệnh hở lồng ngực bẩm sinh của cháu Nguyễn Tiến Quân được điều trị lành lặn, để những ngày đến trường của cháu không còn xa mịt mù vì người bà nghèo không có tiền đóng tiền học đành để cháu ở nhà.
HOÀI PHƯƠNG