Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, người cha đóng vai trò định hình những nguyên tắc, lý trí, sức mạnh và sự kỷ luật.
Ảnh minh họa
Người cha là tấm gương nuôi dạy con tinh thần trách nhiệm
"Bạn nhỏ thân yêu" (tên tiếng Anh: Left Right), một bộ phim truyền hình của Trung Quốc đang gây sốt những ngày gần đây với chủ đề về vai trò làm cha.
Trong phim, nhân vật nam Tiêu Lộ sinh ra trong gia đình cha mẹ ly hôn từ nhỏ, một mình người mẹ nuôi dưỡng hai con. Tiêu Lộ từ nhỏ đã sống ỷ lại mẹ. Đến khi kết hôn, anh trở thành người đàn ông thờ ơ với trách nhiệm gia đình.
Một nghiên cứu do Bệnh viện đa khoa Bắc Kinh thực hiện đã chỉ ra, trên thực tế, vấn đề hành vi trong quá trình khôn lớn, trưởng thành của trẻ em có liên quan mật thiết đến người cha. Khi trẻ thiếu vắng cha trong quá trình trưởng thành, trái tim trẻ thiếu cảm giác mạnh mẽ và an toàn. Sự tổn hại này khiến trẻ không có dũng khí đối đầu với những thăng trầm của cuộc sống, khó phát triển tinh thần trách nhiệm và có xu hướng lựa chọn cách trốn tránh.
Trong một gia đình, nếu người cha không dạy con, đặc biệt là con trai, cách chịu trách nhiệm và trở thành một người đàn ông tốt, đứa trẻ sẽ gánh chịu những tổn thất trong hôn nhân hoặc sự nghiệp trong tương lai.
Người cha là hiện thân của lý trí và phép tắc trong gia đình
Một nghiên cứu tâm lý học chỉ ra, sự tồn tại của người cha có lợi cho việc ngăn chặn "mối quan hệ khép kín" được hình thành giữa mẹ và con, đồng thời giúp chuyển sang "mối quan hệ ba chiều mở" và thúc đẩy sự phát triển của trẻ em.
Trong một gia đình, tình cảm của mẹ thường vô điều kiện, đem lại cho trẻ niềm tin, giá trị của sự nhân ái trong cuộc sống. Trong khi đó, tình cảm của người cha là có điều kiện, thể hiện thông qua kỷ luật, sức mạnh. Khi hành vi của trẻ không đáp ứng được yêu cầu của các quy tắc chung, người cha sẽ uốn nắn, răn dạy con, đưa trẻ vào khuôn khổ.
Gần đây, chương trình "Bài học đầu tiên", do đài truyền hình trung ương CCTV, Trung Quốc sản xuất đã mời một nghiên cứu sinh của Đại học Bắc Kinh đến để chia sẻ về ảnh hưởng của bố đến mình.
Vị khách mời cho biết, năm anh học cấp hai, do nghiện game nên học hành sa sút, mẹ nói không được chỉ biết khóc lóc. Có lúc, anh bỏ học để chơi game. Cuối cùng, bố anh phải tạm dừng công việc, đưa con trai về quê. Để làm gương cho con, bố anh không dùng di động trước mặt con, cũng không xem tivi. Khi con học, ông đọc sách. Người bố đồng hành cùng con trong suốt những năm trung học, cùng thảo luận với con về kiến thức, quan điểm sống... Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng, thanh niên cũng bỏ được game và học hành đỗ đạt.
Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2021 tiến hành một cuộc điều tra về trẻ em qua các giai đoạn và nhận thấy, trẻ từ 5-9 tuổi đáp ứng tốt với lời mẹ dạy dỗ, so với cha. Tuy nhiên, khi học lớp 3 trở đi, trẻ đáp ứng tốt với lời bố dạy dỗ hơn mẹ. Do đó, nếu trong giai đoạn này, vai trò của người cha không được khẳng định, trẻ dễ bỏ qua các quy tắc cốt yếu.
Người cha là bạn đồng hành cho con trên đường đời
Trong khi người mẹ "chân yếu tay mềm", người cha có sức mạnh tự nhiên lớn hơn, do đó đảm nhận vai trò phong phú hơn người mẹ. Vai trò đồng hành của người cha ảnh hưởng lớn đến trẻ, từ khi còn thơ đến khi trưởng thành.
Trần Hưng Dung, một cậu bé người Hải Nam, Trung Quốc được chẩn đoán tự kỷ. Năm 5 tuổi, cậu được bố thuê huấn luyện viên bơi lội để dạy bơi, nhưng người này chỉ vài buổi là xin nghỉ dạy. Không còn cách nào khác, ông Trần tự rèn luyện cho cậu con trai đặc biệt của mình. Dưới sự hỗ trợ của bố, Trần Hưng Dung ở tuổi trưởng thành đã giành được 5 huy chương vàng trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật toàn quốc, Trung Quốc lần thứ 11. Đến nay, dù là người tự kỷ, Trần Hưng Dung có thể đi chợ một mình, được mọi người yêu quý. Nhiều khán giả nhận xét, sức mạnh anh có được, chính nhờ sự mạnh mẽ, can đảm... bố truyền cho anh, khi đồng hành cùng anh.
Theo VNE