| 03-12-2012 | 00:00:00

Bác Hồ luôn dành tình cảm trân trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Sinh thời dù phải suy nghĩ, lo toan nhiều vấn đề của đất nước nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành tình cảm hết sức trân trọng và yêu mến đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam. Bác nói: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. Thấm nhuần lời dạy ấy, các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn được các cấp, các ngành dành sự quan tâm, ưu ái trong tinh thần bình đẳng, nhờ đó đời sống của những người dân tộc thiểu số ngày càng vươn lên, làm giàu chính đáng, xây dựng đời sống ấm no và phát triển.

Tình ruột thịt

 Là một nhà cách mạng chân chính, Bác đã lặn lội, bôn ba khắp năm châu bốn bể, sống trong lòng dân tộc, Bác càng yêu đất nước Việt Nam, thương tất cả những người con của quê hương đất nước. Trong đó, Bác luôn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số những tình cảm yêu thương, chăm lo rất nhân bản.

Tìm đọc những mẩu chuyện kể về Bác, còn lưu nhiều câu chuyện rất cảm động của Bác đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đậm nét nhất là trong hồi ký “Bác Hồ đến bản tôi” của ông Dương Đại Lâm. Qua chuyện kể của ông, bài học từ tấm gương của Bác vẫn mang tính thời sự sâu sắc và còn nguyên giá trị. Bài học ấy là “với đồng bào các dân tộc thiểu số thì cần lắm những tấm lòng để đi đến tấm lòng”.  

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với đồng bào dân tộc thiểu số

Theo thống kê, có khoảng hơn 100 tấm ảnh và những hiện vật quý về hình ảnh của Bác Hồ kính yêu với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn còn được lưu giữ. Ngoài ra, còn có rất nhiều những kỷ vật như ấm đun nước, chậu rửa mặt, lọ đựng nước mà đồng bào đưa đến cho Người dùng hồi ở hang Pác Bó (1941), hòn đá cuội chặn giấy Người tặng lại cụ Tuân (người Nùng), những bức thêu, quả còn, gối, vòng bạc… Trong các bức ảnh của Bác với các dân tộc thiểu số, chúng ta trân trọng biết bao khi luôn bắt gặp nụ cười yêu thương, ấm áp của Bác dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số và hình ảnh đồng bào vây quanh mỗi khi Bác đến thăm với ánh mắt đầy kính yêu và niềm tin vô hạn.

Trong bức thư Người gửi Ðại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây Ku, ngày 19-4-1946, Bác nói: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-rai hay Ê-đê, Xê-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Lời dạy ấy của Bác đến nay vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa.

Các dân tộc thiểu số ở Bình Dương đoàn kết, phát triển

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn được tạo nhiều điều kiện phát triển thuận lợi. Bình Dương hiện có 18 dân tộc thiểu số. Theo thống kê đến năm 2011, Bình Dương có 4.246 hộ với 19.643 người dân tộc thiểu số. Các hộ dân tộc sống đan xen với các hộ đồng bào người Kinh thành một cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Với nhiều chính sách quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ vốn, con giống, vật nuôi, bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp, tuyên truyền pháp luật… đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên rõ rệt, con em đồng bào các dân tộc tham gia học tập, phát triển kiến thức, đóng góp đáng kể cho cộng đồng xã hội. Số hộ nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số theo tiêu chí của Trung ương là không còn, số hộ nghèo theo tiêu chí địa phương cũng chiếm tỷ lệ nhỏ.

Ông Phan Thành Danh, chuyên viên Phòng Dân tộc, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh cho biết: “Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển ổn định. Bình Dương luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ các chính sách, chủ trương theo sự chỉ đạo của cấp trên, đồng thời ở địa phương cũng luôn có những chương trình chăm lo, hỗ trợ gắn liền với điều kiện thực tiễn. Đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở Bình Dương là họ sống xen kẽ với người Kinh, được thụ hưởng các chính sách, chế độ giống như người Kinh theo tinh thần bình đẳng giữa các dân tộc như lời dạy của Bác”.

Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, lãnh đạo tỉnh nhà cũng có những buổi gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số; những chương trình hỗ trợ đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn của các hộ dân tộc thiểu số, khám bệnh, phát thuốc miễn phí…

“Bác Hồ với dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số đối với Bác Hồ kính yêu”, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn và phát huy truyền thống và lời dặn dò của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số sự trân trọng và tình cảm yêu thương, gắn bó. Chính vì thế, 54 dân tộc anh em trên đất nước có hình cong chữ S dấu yêu luôn đoàn kết, phấn đấu vươn lên, thực hiện lời Di chúc thiêng liêng của Bác. Tình cảm ruột thịt ấy sẽ luôn được tiếp nối từ quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thực hiện tinh thần phát động cuộc thi “Bác Hồ với dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số đối với Bác Hồ kính yêu” của Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương đã triển khai tổ chức tham gia cuộc thi.

Theo đó, những bài tham dự cuộc thi sẽ gồm các hoạt động sưu tầm, tìm hiểu các tư liệu, hình ảnh, ký họa, ký sự, những bài viết, biên tập tổng hợp những câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt, làm việc của Bác trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khai thác, biên tập các tài liệu như: thư gửi, công văn, chỉ thị, điện, thư gửi đồng bào, chiến sĩ, thư khen… của Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số… bảo đảm yêu cầu là tất cả các tư liệu, tài liệu biên soạn phải chính xác, trung thực, có thời gian, địa điểm, có cơ sở khoa học; những tài liệu sưu tầm mới thì phải có nhân chứng, có nguồn gốc rõ ràng… Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam đang sống, học tập, công tác ở trong và ngoài nước.

Bài dự thi gửi về: Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc - số 80 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội bắt đầu từ ngày 10-9-2012 đến hết 3-2-2013.

NGỌC TRINH

Chia sẻ