| 11-05-2015 | 08:08:40

Bác Hồ - một tình yêu bao la... Bài 1

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời, Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”. Đó là một đoạn trong một ca khúc hay nhất và tràn đầy xúc cảm của cố nhạc sĩ Thuận Yến đã viết và kính dâng lên Người. Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn ca từ trên để làm đề từ cho loạt bài viết nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.

 

 Bài 1: Ra đi từ làng Sen

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, nhân dân và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất… Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác) sinh ngày 19-5-1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại Kim Liên (còn gọi là làng Sen), huyện Nam Đàn, Nghệ An.

 

Căn nhà Bác Hồ từng sống thuở thiếu thời tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An luôn thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm Ảnh: T.SƠN

 Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung lúc ấy mới 5 tuổi đã theo gia đình vào Huế để thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tiện bề chăm sóc trong khi chờ thi hội lần hai (năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ cử nhân kỳ thi hương tại trường thi Nghệ An). Năm 1898, khoa Mậu Tuất, phụ thân của Bác dự thi hội lần hai nhưng vẫn không đỗ, cuộc sống gia đình càng thêm chật vật, khó khăn. Được một người quen giới thiệu, ông Nguyễn Sinh Sắc về dạy học ở làng Dương Nỗ, cách thành phố Huế 6km (nay thuộc huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Chính tại nơi đây, Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán. Năm 1901, bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Nguyễn Sinh Cung lâm bệnh và đột ngột qua đời ở Huế. Nghe tin vợ qua đời, ông Nguyễn Sinh Sắc lúc ấy đang được cử đi coi thi hương ở Thanh Hóa đã vội trở lại Huế để đưa các con về quê. Hơn 5 năm sống ở chốn kinh thành, Nguyễn Sinh Cung đã thấy được nhiều điều mới lạ.

Xứ Nghệ - chiếc nôi giàu truyền thống cách mạng đã tạo cho Nguyễn Tất Thành sớm có lòng yêu nước, thương dân. Những tấm gương của các thầy giáo và những hoạt động sôi nổi của các bậc cha chú như Phan Bội Châu cùng thái độ bất hợp tác, ngầm chống đối thực dân, phong kiến và nhận thức thời cuộc, lòng thương dân, yêu nước của thân phụ đã có ảnh hưởng sâu xa đến sự hình thành nhân cách của Nguyễn Tất Thành sau này.

Về quê, theo tục lệ lúc bấy giờ, Nguyễn Sinh Cung được làm lễ vào làng với tên gọi mới là Nguyễn Tất Thành. Lớn dần lên, càng đi vào cuộc sống nhân dân, Nguyễn Tất Thành càng thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước. Thuế khóa vốn nặng nề lại còn thêm thủ đoạn ăn cướp trắng trợn, dã man của bọn hào lý. Cùng với thuế khóa là nạn bắt phu đi xây dựng thị xã Vinh, đi mở mang hệ thống giao thông trong tỉnh để thực dân Pháp thực hiện vơ vét tài nguyên và tạo thuận lợi cho việc đàn áp những nơi có nổi dậy đấu tranh. Ngoài giờ học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh thăm các nhân sĩ yêu nước (đến làng Đồng Thái, quê hương của Phan Đình Phùng, làng Trung Lễ, quê hương của Lê Ninh…), hoặc thăm các di tích lịch sử như thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn phu tử... Theo cha đi khắp đó đây, tầm mắt Nguyễn Tất Thành được rộng mở. Đi đến đâu, Nguyễn Tất Thành đều nhìn thấy cảnh nghèo đói nhan nhản. Hầu như làng quê nào cũng xơ xác tiêu điều trước sự cai trị của bọn đế quốc và phong kiến địa chủ. Nguyễn Tất Thành cảm thấy nỗi nhục mất nước hằn rõ trên gương mặt của muôn dân.

 

Tháng 9-1905, Nguyễn Tất Thành được thân phụ xin cho vào học trường Pháp ở Vinh. Tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành chú ý đến ba từ được sơn vào gỗ, gắn ở phía trên bảng đen: “LIBERTé, éGALITé, FRATERNITé” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Nguyễn Tất Thành tìm hiểu và biết đó là khẩu hiệu của cách mạng Pháp 1789. Đối với Nguyễn Tất Thành đó là những điều hoàn toàn mới mẻ, khác lạ không có trong sách vở của thánh hiền. Như một lẽ tự nhiên, Nguyễn Tất Thành muốn tìm hiểu những gì ẩn giấu trong những từ ấy… Tuy nhiên, đến cuối tháng 4-1906, Nguyễn Tất Thành phải nghỉ học để theo cha lên đường vào Huế, thoạt đầu học trường Pháp - Việt, sau theo học trường Quốc học Huế. Tại Huế, trong khi đang học trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Nguyễn Tất Thành đã tham gia những cuộc biểu tình của nông dân đòi giảm sưu, giảm thuế. Sau những cuộc tham gia biểu tình, Nguyễn Tất Thành bắt đầu bị bọn cảnh sát theo dõi và nhà trường để ý.

Khoảng cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, lúc này ông Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc) được bổ nhiệm chức đồng phủ lãnh chức tri huyện Bình Khê. Đến Bình Khê, Nguyễn Tất Thành được gửi học tiếp chương trình lớp nhất với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ lúc ấy đang dạy ở trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn. Tháng 1-1910, Nguyễn Tất Thành nhận được tin không vui khi ông Nguyễn Sinh Huy bị “triệu hồi” chức tri huyện Bình Khê, bị triều đình gọi “lai kinh hậu cứu” (trở về kinh đô để xem xét sau). Với sự giúp đỡ của thầy giáo Phạm Ngọc Thọ, Nguyễn Tất Thành hoàn thành chương trình tiểu học. Trước biến cố của gia đình, Nguyễn Tất Thành không theo cha trở về Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam. Rời Quy Nhơn, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết. Nhờ gặp được người có mối quan hệ từ trước với thân phụ, Nguyễn Tất Thành được nhận vào làm trợ giáo môn thể dục tại trường Dục Thanh đúng dịp nhà trường mới khai giảng.

Đầu tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Tại đây, chàng thanh niên yêu nước vào xóm thợ làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hoặc học nghề ở trường kỹ nghệ thực hành, trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn. Người cũng làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên nhận giặt quần áo cho thủy thủ trên tàu Pháp để hỏi xin làm việc trên tàu. Nguyễn Tất Thành đang tìm cách thực hiện những chuyến đi xa. Ngày 5-6-1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời cảng Nhà Rồng, Sài Gòn đi Mácxây (Marseille) mang theo người thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn lao: Tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi những tinh hoa, tiến bộ từ các nước phương Tây để về giúp nước, cứu dân. Từ đây một giai đoạn mới, một bước ngoặc mới mở ra trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành.

Bài 2: Đi tìm ánh dương

 

Nằm trên đường Đông Ba xưa, di tích lưu niệm thời niên thiếu của Bác Hồ tại ngôi nhà 112 (số mới 158) đường Mai Thúc Loan ngày nay tọa lạc trong khu vực Thành Nội - Huế. Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc và vợ là bà Hoàng Thị Loan cùng các con Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sống từ năm 1895-1901. Ngôi nhà vốn trước đây là một trại lính của Nha Hộ thành triều Nguyễn bị bỏ phế lâu ngày sau sự kiện thất thủ Kinh đô năm 1885. Đây là ngôi nhà gỗ rộng 3 gian, kiến trúc theo kiểu nhà rường ở Huế, mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”.

 

 TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ