| 19-09-2016 | 09:17:19

Bác sĩ rời bệnh viện công: Nỗi lòng biết tỏ cùng ai! 

Từng gắn bó với một bệnh viện (BV) lớn ở Huế hơn 10 năm, dù điều kiện làm việc và cơ hội học lên để nâng cao trình độ nơi đây hơn hẳn nhiều địa phương khác, nhưng bác sĩ (BS) N.V.B. cũng đành “ôm gói” ra đi. Nguyên nhân sâu xa được BS này bộc bạch đó là vì thu nhập của các BS ở BV công so với mức sống hiện nay “chưa bảo đảm cuộc sống”. Đây cũng là tình trạng mà nhiều BV công ở Bình Dương đang gặp phải. Không ít BS xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau và cuối cùng là đầu quân vào các BV tư nhân, bởi nơi đây họ được trả lương cao hơn BV công nhiều lần…

Từ thực trạng

“Nước luôn chảy về chỗ trũng”, câu trả lời của một vị lãnh đạo ngành y tế từ nhiều năm trước khi chúng tôi đặt câu hỏi về tình trạng chảy máu chất xám từ BV công ra BV tư. Bây giờ cũng vậy, khi quay lại vấn đề vì sao BS bỏ BV công ra đi, câu trả lời cũng được vị lãnh đạo này chốt lại bằng câu nói ấy.

Thực trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực đã qua đào tạo, có tay nghề cao tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã được nhắc đến trong nhiều cuộc họp của ngành y tế. Trên thực tế, trong thời gian qua, tỉnh và ngành y tế đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân lực y tế từ các tỉnh, thành về Bình Dương đầu quân hay tạo điều kiện cho con em tỉnh nhà đi học ngành y để về công tác trong các cơ sở y tế công lập. Thế nhưng, thực trạng thiếu nhân lực y tế vẫn chưa giải quyết được.


Dù là BV tuyến cuối của tỉnh, nhưng BV Đa khoa tỉnh vẫn không “đủ sức” để “níu giữ” một số BS ở lại.
Trong ảnh: BS BV Đa khoa tỉnh thăm khám bệnh nhân
điều trị tại BV

Trong khi bài toán nan giải thiếu nhân lực chưa giải quyết được thì tại một số BV công lập trên địa bàn lại xảy ra tình trạng BS xin nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân, làm cho các BV càng trở nên khó khăn hơn do thiếu BS phục vụ. Điển hình như tại BV Đa khoa tỉnh, dù đây là BV tuyến cuối của tỉnh, nhưng vẫn không “đủ sức” để giữ chân một số BS. BS Văn Quang Tân, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh khẳng định với chúng tôi rằng, đúng là thực trạng này đang diễn ra tại BV. Dù ông không tiết lộ số lượng BS xin nghỉ việc cụ thể là bao nhiêu, nhưng ông nói rằng, trong thời gian gần đây có nhiều BS có tay nghề, lâu năm, mới vào làm được vài năm cũng có… đã “dứt áo” ra đi. Đó là chưa kể, một số đơn xin nghỉ việc của các BS hiện còn nằm trên bàn làm việc của ông chờ giải quyết.

Bác sĩ ra đi…

Ai đi làm không muốn có thu nhập cao để bảo đảm, nâng cao cuộc sống của mình và gia đình. Có dịp tiếp xúc với một số BS “bỏ” BV công ra BV tư nhân làm việc mới càng hiểu hơn. Có những BS ra đi vì “thu nhập thấp không đủ sống”, nhưng cũng có những BS ra đi vì những nguyên nhân khác. BS N.H.L. hiện đang làm việc tại BV V.P chia sẻ, BS L. đã quyết định ra đi sau hơn 20 năm gắn bó với BV Đa khoa tỉnh hoàn toàn không phải vì lý do kinh tế. BS N.H.L. vốn là một BS chuyên khoa thần kinh, điều kiện kinh tế cũng không đến nỗi phải lo lắng nhiều. Lý do BS ra ngoài làm việc là vì môi trường làm việc. BS N.H.L. nói: “Trước khi ra ngoài BV tư làm việc, tôi cũng có một thời gian tìm hiểu các BV tư và đã chọn nơi tôi có thể phát huy hết năng lực chuyên môn để tiếp tục gắn bó. Có 3 BS trưởng khoa mà tôi quen biết nơi công tác cũ cũng đã rời BV ra đi trong thời gian gần đây. Những người đó đều có kinh tế vững vàng, vì thế lý do họ rời BV công không thể vì kinh tế được”. Ở nơi công tác cũ, dù đang là trưởng một khoa nhưng theo giải thích của BS N.H.L. thì nơi đây vẫn chưa có đủ điều kiện để anh phát huy năng lực, phát triển chuyên môn của một BS chuyên khoa thần kinh. Vì thế, sau nhiều trăn trở về hướng đi, anh đã đi đến quyết định chọn BV tư.

Một trong những BS mới được BV Đa khoa tỉnh giải quyết nghỉ việc trong thời gian gần đây là BS C. Theo đánh giá của lãnh đạo BV Đa khoa tỉnh, BS C. là một BS giỏi, trẻ và có trách nhiệm. Dù còn trẻ, nhưng có năng lực nên BS C. đã được cất nhắc lên làm trưởng khoa. Thế nhưng, mới đây BS C. cũng đã gửi đơn xin nghỉ việc lên Ban giám đốc. Lý do mà BS C. bày tỏ cùng chúng tôi đó là do bận công việc gia đình và không giải thích gì thêm. “Trong đơn nghỉ việc và qua trao đổi với BS C., cô ấy trình bày, nhà có 2 vợ chồng và đứa con đang tuổi lớn. Do công việc, chồng cô ấy không có điều kiện đưa đón con đi học. Trong khi cô ấy là phụ nữ nhưng vì khoa không đủ BS nên cô ấy phải làm ngày làm đêm, ít có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo gia đình và quan trọng là cô ấy sợ con không có ai chăm sóc. Mặc dù cô ấy rất có trách nhiệm trong công việc, muốn gắn bó với BV nhưng vì con nên cô ấy đã quyết định xin nghỉ việc. Lý do cô ấy đưa ra rất chính đáng và tôi đành phải ký quyết định cho cô ấy nghỉ việc…”, BS Văn Quang Tân vẫn còn tiếc nuối khi chúng tôi nhắc đến BS C.

Khi chúng tôi đi tìm hiểu lý do nghỉ việc của các BS, cũng nhận ra rằng, bên cạnh những lý do chính đáng, có một số BS xin nghỉ việc với lý do chưa phù hợp. Có người đã có bằng chuyên khoa này, lại đòi đi học thêm chuyên khoa khác, không được giải quyết nên đòi xin nghỉ việc. Cũng có BS được BV cho đi học chuyên khoa II, đang học giữa chừng thì xin nghỉ việc vì gia đình khó khăn. Nhưng rồi, khi chưa kịp nghỉ bên này thì đã đầu quân về làm ở một BV tư nhân trên địa bàn. Và cũng có nhiều BS đưa ra lý do nghỉ việc để được nghỉ ngơi, nhưng cuối cùng cũng đến BV tư nhân làm việc. “Chung quy lại vẫn là do kinh tế mà thôi”, BS Tân nói.

Bệnh viện nói gì?

BV Đa khoa tỉnh là BV tuyến cuối của tỉnh Bình Dương, thực hiện đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh (KCB) của một BV hạng I. Hiện nay, BV cũng đang đối mặt với một số khó khăn: số giường bệnh giao của BV là 1.300 giường, nhưng số bệnh nhân nội trú trên 1.500 người bệnh; số biên chế BV được giao là 1.400 người, nhưng chỉ tuyển được 1.100 nhân viên. Nhân lực mà BV đang thiếu trầm trọng là BS, nhất là các BS đã qua đào tạo, có tay nghề cao.

Điều đó cho thấy, ngành y tế mà cụ thể là các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh nói chung, BV Đa khoa tỉnh nói riêng đang phải đối mặt với vấn đề khó khăn chung đó là thiếu nguồn nhân lực, trong đó chủ yếu là thiếu BS. Trong khi đó, với chủ trương xã hội hóa y tế, Bình Dương đã thu hút nhiều tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế. BV tư ra đời ngày càng nhiều, trong đó có những BV lớn, được trang bị máy móc, kỹ thuật hiện đại và mức thu nhập mà các BV tư trả cho CBNV của họ cũng cao ngất ngưỡng so với BV công. Do đó, tình trạng BS bỏ BV công ra làm cho các BV tư là điều dễ hiểu. Tại BV Đa khoa tỉnh đã có nhiều BS nghỉ việc và hiện nay vẫn còn BS đang nộp đơn chờ giải quyết nghỉ việc. “Hầu hết lý do mà các BS xin nghỉ việc là vì áp lực công việc cao nhưng thu nhập thấp không đủ sống, không tương xứng với trách nhiệm. Sau khi nghỉ việc, các BS ra làm ở các cơ sở y tế tư nhân, nơi đó họ được trả lương cao gấp 3 - 4 lần, thậm chí cao hơn thu nhập tại BV rất nhiều lần”, BS Tân cho biết.

Thực tế, chỉ tiêu biên chế giao cho BV hàng năm có tăng và tăng theo số chỉ tiêu giường bệnh giao, nhưng thông báo vào dịp cuối năm. Trong khi đó, để bảo đảm cho công tác KCB cho bệnh nhân đến BV thì BV đã phải tuyển nhân viên liên tục, hàng ngày, hàng tháng. Những nhân viên này làm việc dưới dạng hợp đồng, chờ cuối năm xét tuyển vào viên chức. Trong thời gian chờ được xét tuyển vào biên chế thì BV phải sử dụng nguồn thu viện phí (không được cấp ngân sách) để trả lương và phụ cấp cho số nhân viên này. Đây là một thực tế chưa hợp lý vì số cán bộ này đã góp phần cho BV hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng không được hưởng lương từ ngân sách cấp, mặc dù số biên chế thực tế của BV chưa đủ so với số biên chế được giao. Chính vì vậy đã làm giảm nguồn thu nhập tăng thêm của các y, BS trong BV. Và thực tế là khi nguồn thu nhập thấp thì BS dễ nghỉ việc...

“Thực trạng thiếu BS khám bệnh thì không thể nâng cao chất lượng KCB, BV sẽ không giải quyết được quá tải, bệnh nhân sẽ than phiền… Từ đó, đã tạo ra một vòng lẩn quẩn mà nguyên nhân đầu tiên sâu xa là vì nguồn thu nhập của y, BS quá thấp”.

(BS Văn Quang Tân, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh)

 

CẨM LÝ

Chia sẻ