Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, tình hình kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đã đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thị tứ sầm uất, đường sá rộng mở… Tất cả đã góp phần làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn của Bắc Tân Uyên…
Phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái là một thế mạnh của huyện Bắc Tân Uyên. Trong ảnh: Nông dân xã Hiếu Liêm chăm sóc vườn bưởi áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: P.V
Lòng dân phấn khởi
Bắc Tân Uyên bây giờ so với vài năm trước đây đã cho thấy sự thay đổi rất nhanh chóng. Trước đây, cứ mỗi lần chuẩn bị về các xã Tân Thành, Tân Định, Đất Cuốc… chúng tôi rất ngại. Quãng đường tuy cũng như ngày nay nhưng mỗi chuyến đi thường kéo dài hơn vì giao thông cách trở, đường sá nhỏ hẹp. Hai bên đường chủ yếu là cây cao su và san sát những rừng tràm. Thỉnh thoảng mới thấy ống khói của vài nhà máy, mà chủ yếu là của xí nghiệp khoáng sản cao lanh. Quê hương Bắc Tân Uyên những năm ấy còn khó khăn, nên sinh kế của người dân cũng chỉ biết làm nông nghiệp thời vụ, dù tiềm năng đất đai có sẵn. Tôi nhớ hồi đó, có lần ghé thăm hộ Nguyễn Thị T. , một hộ nghèo ở xã Đất Cuốc. Thật khó mà thuyết phục được khi bà T. có diện tích đất canh tác khá rộng nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo. Tuy vậy, bà khó khăn thật! Tìm hiểu chúng tôi mới biết, tất cả là do bà chưa biết phương cách làm ăn hiệu quả. Toàn bộ diện tích đất bà T. chủ yếu trồng tràm - cây trồng nhiều năm mới cho thu hoạch, nên trước mắt không có thu nhập, đời sống vì thế rất bức bách.
Câu chuyện của bà T. tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng, nhưng mới đây tình cờ gặp lại bà T. thì câu chuyện khác hẳn. Kể từ ngày huyện mới Bắc Tân Uyên được thành lập, mà cụ thể là dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI với những chủ trương, chính sách phát triển đúng hướng, kịp thời, đã đưa vùng Bắc Tân Uyên đổi thay rõ rệt. Đến với Bắc Tân Uyên hôm nay, người ta cảm nhận như đang đến với một đô thị hiện đại đang bắt đầu phát triển giữa bao la không gian xanh thẳm những cánh rừng, những vườn cây trĩu quả. Gần đây, những cụm từ “thành phố trong rừng”, “đô thị sinh thái”… thường được nhắc tới khi nói về vùng đất giàu tiềm năng này. Gặp lại, bà T. bộc lộ sự vui mừng ra mặt. Bà nói, nhờ Nhà nước mở rộng đường sá, cho vay vốn, chỉ đường làm ăn nên cái nghèo đã biến mất; vườn tràm năm xưa nay thay bằng vườn cây ăn trái sum sê, cuộc sống bắt đầu có của ăn của để.
Bắc Tân Uyên khởi sắc là thành quả rõ nét, lòng dân ai ai cũng phấn khởi là điều chúng tôi ghi nhận được khi tiếp xúc với bà con. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tân Uyên nói chung là vùng kinh tế mới của tỉnh Sông Bé. Nhiều người khắp mọi miền đã tìm về mảnh đất này sinh sống, chung tay biến mảnh đất anh hùng trong chiến tranh thành vùng đất mới từng ngày phát triển. Chúng tôi ghé thăm hộ bà Nguyễn Thị Thanh, nhà ở gần trung tâm huyện và đã cảm nhận được niềm vui về cuộc sống ấm no của gia đình bà. Bà Thanh quê ở xứ Nghệ vào Bắc Tân Uyên đã hơn 30 năm nay. Hồi đó, cả nước còn nghèo, gia đình bà Thanh buổi đầu vào vùng đất mới càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, hôm nay bà Thanh thuộc diện hộ kinh tế khá, có cao su, có đất mặt tiền kinh doanh dịch vụ, nhà cửa khang trang. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thanh không giấu được niềm vui phấn khởi trước sự phát triển đi lên của quê hương Bắc Tân Uyên, mà từ lâu bà đã coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Qua những câu chuyện của người dân mới thấy rằng, khi chủ trương đúng hướng, có nghị quyết soi sáng dẫn đường thì nền kinh tế của địa phương, của nhân dân phát triển đi lên là điều tất yếu. Những người nông dân Bắc Tân Uyên bây giờ không chỉ thoát nghèo mà rất nhiều hộ còn tiến lên làm giàu. Về xã Hiếu Liêm - xứ sở của cây có múi đang nổi tiếng cả nước càng cho thấy điều đó. Khác với trước đây, đất Hiếu Liêm bây giờ không chỉ dành cho những lão nông cần cù làm ăn mùa vụ, mà đang hấp dẫn nhiều giới tìm về đầu tư làm ăn với quy mô bài bản. Anh Nguyễn Trung Thảo là một trong nhiều người như thế. Quê anh Thảo ở tận miền Tây. Sau khi tốt nghiệp đại học nông lâm anh đã quyết tâm về Hiếu Liêm lập nghiệp. Qua những tháng năm cần cù lao động, đến nay anh là chủ nhân của trang trại 30ha trồng cam, quýt, bưởi da xanh. Với lợi thế là người được đào tạo kiến thức nông nghiệp trên giảng đường đại học đã gúp anh chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Anh còn tính toán cho cây ra trái nghịch vụ nên sản phẩm ra thị trường rất được giá. Doanh thu hàng năm vì thế đạt khá cao. Anh Thảo đã trở thành một trong những cá nhân điển hình làm kinh tế nông nghiệp giỏi.
Phát huy tiềm năng lợi thế
Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015-2020 của huyện Bắc Tân Uyên cho thấy: Kinh tế của huyện duy trì ổn định, phát triển đúng hướng, tạo cơ sở để phát triển nhanh, bền vững cho những năm tiếp theo. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân 3,95%/ năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12,3% năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,74%/năm; xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực... Đến nay, huyện đã có 10/10 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng được tập trung thực hiện, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc và đi vào hoạt động bảo đảm theo đúng điều lệ Đảng. Huyện ủy tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội được kiện toàn, đi vào hoạt động và có bước phát triển...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn một cách tổng thể thì sự phát triển của huyện Bắc Tân Uyên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vẫn còn một số hạn chế nhất định. Hiện nay, diện tích cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện hơn 2.000ha nhưng chỉ có khoảng gần 200ha được sản xuất theo hướng VietGAP, tỷ lệ này là còn thấp. Vấn đề xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm cũng còn chậm… Mới đây, tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện; tạo tiền đề vững chắc để huyện tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra trong nhiệm kỳ.
Để tiếp tục đưa vùng đất Bắc Tân Uyên phát triển đúng hướng, khai thác tốt tiềm năng lợi thế, đồng chí Trần Văn Nam đã lưu ý một số vấn đề huyện cần quan tâm như chỉnh trang đô thị, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cây có múi nhằm tương xứng với sự phát triển. Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện cần quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện, như: Khu tưởng niệm Chiến khu Đ, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo- Bàu Bàng, đường vành đai 4 Thủ Biên - Đất Cuốc… Đây là những công trình không chỉ có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang tính giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh dũng của dân tộc ta.
Tin rằng, với những thành quả đạt được bước đầu khá toàn diện sẽ tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Tân Uyên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là vùng đất anh dũng trong đấu tranh và anh hùng trong lao động.
Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015-2020 của huyện Bắc Tân Uyên cho thấy: Kinh tế của huyện duy trì ổn định, phát triển đúng hướng, tạo cơ sở để phát triển nhanh, bền vững cho những năm tiếp theo. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân 3,95%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12,3% năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,74%/năm; xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực...
KIẾN GIANG