Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Phải khẳng định rằng thời gian qua, sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã góp phần làm chuyển biến công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Thống kê của ngành y tế cho biết, số vụ ngộ độc thức ăn năm 2013 có giảm hơn so với các năm trước. Dù vậy, khi ngành chức năng phối hợp kiểm tra vẫn xảy ra hàng loạt các vụ sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm mất vệ sinh, làm cho dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Trong những ngày giáp tết, nhắc lại chuyện cũ, mọi người vẫn cho đó là vấn đề thời sự, vì thực trạng của nó cứ kéo dài mãi, không phải một địa phương mà có thể nói là khá nhiều địa phương, hễ lực lượng chức năng kiểm tra ở đâu thì y như rằng, ở đó đều bị phát hiện có thực phẩm không an toàn. Trên thị trường, sương sâm, sương sáo giẫm dưới chân, tẩm hóa chất, phơi ngoài đường rồi phân phối ra thị trường; tẩy trắng thực phẩm bằng bột tẩy trắng, làm tươi thịt ươn, cá biển có dòi bên trong bằng hàn the, phoóc-môn... Gà, vịt làm sẵn da trắng phau sạch sẽ, mâm lòng heo trắng bắt mắt hay mớ giá đỗ đầy những cọng to, trắng mọng trông rất ngon lành. Các loại củ như su hào, khoai tây, các loại đậu, dưa cà… cũng tương tự, sau khi bóc vỏ đều được ngâm lại bằng hóa chất trước khi lên sạp; nước giải khát pha chế bằng nước giếng khoan, pha hương liệu độc hại gây bệnh ung thư, bệnh tiểu đường cho người tiêu dùng. Đau đớn hơn là những loại thực phẩm gắn liền với bữa ăn hàng ngày cũng có thể là hiểm họa đối với sức khỏe con người.
Rõ ràng, thực phẩm tươi sống được bày bán trên các chợ hầu hết đều không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy độ an toàn của nó đến đâu, trong khi cơ chế kiểm tra, giám sát chưa cụ thể, chế tài xử phạt còn chồng chéo. Cách làm này vô tình làm cho người tiêu dùng có nguy cơ trúng độc từ bữa ăn hàng ngày do nhiều loại thực phẩm có tồn dư chất độc.
Hiện nay, các tỉnh, thành đều có Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và hệ thống kiềm nghiệm ở các khu vực đều đi vào hoạt động từ lâu, các cuộc thanh kiểm tra được tiến hành đều đặn và hiệu quả… Tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 tổ chức ngày 2-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mới với mức phạt gấp 7 lần so với trước, đồng thời rút giấy phép kinh doanh và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông. Nếu nghị định đi vào cuộc sống, xóa đi các chồng chéo thì chắn chắn, chúng ta sẽ cố gắng giải quyết triệt để những tồn tại từ vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là một lĩnh vực đa, liên ngành. Thế nên thời gian qua, các ngành chức năng và các ngành liên quan phải có sự phối hợp, tất nhiên phải có quy định rõ mới kiểm soát được con đường thực phẩm bắt đầu từ khâu sản xuất, chế biến đến lưu thông, tiêu dùng. Về vấn đề này, chúng ta đã làm được; tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa, chúng ta cần phát huy hết trách nhiệm của UBND các cấp và ý thức cũng như vai trò tích cực của quần chúng nhân dân.
MAI HUY