Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Vẫn còn những người nặng lòng với bánh mì truyền thống. Là bởi, họ muốn níu giữ hương vị ở lại trăm năm cùng quê hương, xứ sở...
Cô Lưu Ngọc Vương chăm chút cho từng chiếc bánh mì trước khi vào lò
Những lần ngang qua Lái Thiêu, tôi để ý trên mấy góc phố nhỏ quanh chợ Lái Thiêu, nhẩm tính có đến vài chục tiệm bánh mì lớn nhỏ, từ bình dân đến sang trọng bày bán với đủ hương vị. Trong suy nghĩ của mình tôi nghĩ rằng chính cái tiện lợi, nhanh gọn của bánh mì mà nó từ lâu đã thành một món ăn “hạp vị” với cung cách sống năng động, đơn giản của người dân phương Nam này. Và rồi, những suy nghĩ ấy có dịp tận tường…
Sau trận mưa rào tháng 5, ngồi trong quán cà phê nhỏ xíu cạnh chợ Lái Thiêu, được anh Nguyễn Văn Hùng, Đội dân quân tự vệ phường Lái Thiêu (TP.Thuận An), mang cho ổ bánh mì nhỏ xíu nóng giòn thơm nức cùng lời giới thiệu vô cùng kích thích: “Chị đến Lái Thiêu chưa ăn bánh mì Lái Thiêu là thiếu sót. Nhỏ thôi, nhưng có võ. Hương vị độc đáo của ổ bánh mì quyện với vị trứng nướng thơm lừng tạo sự biệt vị trong muôn vàn hương vị của bánh mì. Bởi thế, nổi tiếng và lâu đời, qua hàng chục năm được mặc định thành danh luôn là bánh mì Lái Thiêu. Có người dù đã chuyển chỗ ở đến 5, 6 lần, kể cả lúc ở nơi xa nhưng khi có dịp ngang qua Lái Thiêu, họ lại ghé mua về thưởng thức…”, tôi bị cuốn vào bao câu chuyện xung quanh cái bánh mì tí hon ấy. Một món quà phố gắn bó với bao thế hệ người dân Lái Thiêu, món quà ấp ủ nhiều ký ức.
Trong ký ức của anh Hùng, ngày ấy thị trấn Lái Thiêu với vài ngàn dân hãy còn là một chợ quận êm đềm như những ngôi phố chợ khác. Ngày đó là hàng gốm sứ Lái Thiêu, là lu hủ khạp xuất về lục tỉnh và gạo thóc, cá mắm chở ngược lên. Nhớ Lái Thiêu là nhớ những dãy phố cổ đẹp đến nao lòng bên bờ sông, là giáo đường sớm nhất miền Nam, vườn trái cây thanh bình cùng bao món ngon thú vị, trong đó có bánh mì Lái Thiêu thơm nức.
Anh Hùng chỉ biết rằng ba anh kể lại bánh mì là thực phẩm đi theo gót viễn chinh của quân đội Pháp. Rất nhanh sau đó, cùng với Sài Gòn cách làm bánh mì đầu tiên được người Hoa tiếp thu, sản xuất bán ra thị trường tại Lái Thiêu. Ngược tính từ thời Pháp thuộc thì lịch sử của món ngon dân dã này ở xứ Lái Thiêu dễ chừng cũng phải đến hơn 150 năm.
Ngạc nhiên vì cái cách anh Hùng kể tường tận ấy, hỏi mới biết anh là thợ làm bánh mì chuyên nghiệp từ năm 14 tuổi đến bây giờ. Tính ra tuổi nghề anh đã 32 năm có lẻ. Anh cho biết là thế hệ thợ trẻ cuối cùng của nghề làm bánh mì theo cách truyền thống, của trứng, của những thau bột nhồi bằng tay, những kỹ thuật se bánh, căn bánh bằng tay. Khi tôi hỏi vì sao nhiều người Lái Thiêu lại ưa ăn bánh mì? Anh cho rằng trong khẩu vị chứa sự chân chất nên món nào nguyên chất là ưng bụng, khoái khẩu hơn là những món qua chế biến thêm thắt. Cứ món nướng là thích nên bánh mì nướng lò củi được thích nhất cũng là lẽ tự nhiên.
Anh Hùng bên bàn cân, kỷ niệm một thời của bao thế hệ thợ bánh mì Lái Thiêu
Dẫn tôi vào sâu trong ngõ nhỏ chợ Lái Thiêu để thăm lò bánh mì truyền thống duy nhất còn sót lại ở xứ Lái Thiêu này, nơi mà anh Hùng tự nhiên như trở về gia đình bởi đây là nơi anh gắn bó cả tuổi thanh xuân - nơi học nghề, làm nghề suốt mười mấy năm. Gặp chúng tôi, cô chú Giang Sấm - Lưu Ngọc Vương khá e ngại ban đầu vì chả biết nói gì về mình… Nhưng rồi chú cũng chịu mở lòng: “Tính đến nay, lò bánh mì của tui cũng đã làm bánh thủ công đến đời thứ 3. Tui gắn bó đến nay cũng gần được 40 năm. Những người thợ gắn với thế hệ thứ 3 cũng đã ngoài 60 tuổi. Bánh mì Lái Thiêu không dùng chất phụ gia, chỉ có bột nhồi với trứng vịt và đưa vào lò nướng. Chính vì vậy độ nở của bánh mì không nhiều. Nếu với lượng bột như vậy mà đưa vào máy thì bánh mì sẽ to gấp đôi lần. Nhưng da bánh ở đây không giòn khô gãy xuống mà độ đàn hồi cao do tay người thợ nhào nặn kỹ hòa quyện cùng trứng vịt”.
Theo lời cô Vương, mỗi ngày hiện tại cũng chỉ còn làm được khoảng 100kg bột nên tầm 10 giờ sáng đã hết bánh mì tại chợ và các tiệm. Muốn tìm nữa cũng không có bởi cách làm thủ công này muốn có bánh mì người thợ phải ủ bột từ 3,5 - 4 tiếng. Để có bánh buổi sáng, anh em thợ chủ phải thức từ 1 giờ sáng và đứng đến sáng. Trưa 11 giờ đã bắt đầu phải làm lại. Vất vả vô cùng nên những người trẻ họ không muốn học và tiếp quản nghề. Hết thế hệ thợ này là không còn người để làm nữa, không biết còn được bao lâu. “Các con tui cũng không muốn học. Thôi thì mình yêu nghề mình làm, đến khi nào không kham nổi thì nghỉ chứ cũng đâu biết sao. Từ thời má tui còn là con gái bà đã vào đây lấy bánh mì về bán ở chợ Lái Thiêu, rồi cơ duyên tui lại làm dâu vào nhà này và lại tiếp nhận nghề của má chồng, biểu sao mà không yêu…”, tay cô Vương vừa lấy bánh chuẩn bị cho khách vừa kể bằng những mảng ký ức rời rạc.
Đứng cạnh tôi, anh Hùng phụ họa theo: “Mấy chục năm qua giờ cũng cải cách cái lò nướng bằng điện rồi nhưng kỹ thuật bao năm qua vẫn nguyên vẹn như thế. Ngày xưa muốn nướng bánh mì, những người thợ đổ đầy cát vào cái lò gạch cao tầm 2m, rộng đến 5m và đốt lửa cả ngày đêm, sau đó xúc cát ra và đưa bánh vào nướng bằng nhiệt của cát. Nên 2 ngày mới có 1 lò xuất ra, nhưng lúc ấy nhiều lò. Làm xong ủ bằng cái khọt che vải bố để giữ nóng. Rồi sau này, khoảng năm bảy mấy của thế kỷ trước, lò củi ra đời bánh mì mới có mỗi ngày. Ngày xưa nơi đây cũng nhiều lò lắm nhưng giờ chuyển đổi hết rồi”. Anh kể ai từng đứng xếp hàng chờ bánh mì nướng củi ra lò mới thấm được cái hạnh phúc làm người đô thị mỗi sáng. Ánh lửa rực sáng từ miệng lò bánh, lửa nổ tí tách như tiếng pháo chuột, thợ nướng bánh gương mặt hồng ánh lửa, từng vỉ bánh chín vàng rực được lấy ra như ánh bình minh vừa nhú khỏi các nóc nhà. Không hề quá đáng khi nói rằng, không gian quanh các lò bánh mì đã làm nên một Lái Thiêu riêng, một cõi thơm ngào ngạt hương bánh chín.
Như phân trần với tôi vì sao không giữ lại nghề, anh Hùng liên tiếp nói: “Ngày xưa á, bánh mì còn là món xa xỉ nên làm nghề này trả lương cũng đỡ lắm. Tui nhớ thời bao cấp có mấy chú cán bộ nhà nước sau giờ hành chánh còn tranh thủ làm thêm kiếm thu nhập. Giờ máy móc ra đời, lò bánh mì mọc lên nhiều lắm. Mà nghề chỉ được tính ra ngày công. Dân làm bánh mì tụi tui không có giấc ngủ đêm nên cũng ít ai theo lắm, nói gì đến nhồi bột, se bánh, căn bánh bằng tay như thế này thì bọn trẻ không học đâu. Công nhiều, tìm đầu ra vất vả mà lợi nhuận không cao”. “Nói thật, gia đình mình giờ cũng làm bánh mì, cũng se bánh bằng tay nhưng mà các khâu khác đều đã máy móc hóa. Nhưng phải ăn cái bánh mì làm thủ công chính gốc Lái Thiêu nó mới đã. Dân Lái Thiêu thích ăn bánh mì nhỏ xíu nóng giòn vậy nè”, anh Hùng vừa cười nói có vẻ vô tư nhưng dường như trào dâng nỗi niềm tiếc nhớ…
Với bao người Lái Thiêu, chiều mưa, không gì bằng cầm ổ bánh mì nóng thơm phức, gỡ từng lớp da bánh dòn rụm hoặc xé ruột bánh mềm mịn ra thưởng thức để từ từ cảm nhận nguyên vẹn hương vị ngon lành của ổ bánh mì. Rồi ai biết bao lâu năm nữa, bánh mì Lái Thiêu truyền thống có còn không?
Trong ký ức của người đàn ông ở ngưỡng 50 này vẫn thấp thoáng hình ảnh mắc võng cùng anh em thợ ngủ ca ngay tại lò, bất kể nắng sớm mưa chiều, vui sướng mỗi lần kéo khay bánh mì đón hương thơm kích thích. Chợt nhớ, hôm rồi có việc ghé UBND phường Lái Thiêu, chị chủ tịch phường nhắc câu chuyện hôm nọ có đoàn tỉnh xuống kiểm tra, cuối buổi chị nhã ý mời cơm trưa thì có anh trong đoàn “buồn trách” sao không mời bánh mì Lái Thiêu. Chị thoáng ngỡ ngàng bởi tưởng chỉ dân Lái Thiêu mới thích bánh mì Lái thiêu. |
TIỂU MY