| 30-05-2024 | 09:15:21

Bảo đảm an toàn điện vào mùa mưa: Xóa “mạng nhện”, cắt tỉa cây xanh

Hiện đã vào mùa mưa, kèm theo hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc… dẫn đến nguy cơ mất an toàn điện, nếu không có biện pháp phòng ngừa thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường về tài sản và con người. Trước tình hình trên, ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất các sự cố lưới điện và tai nạn điện trong dân.

 Các đơn vị thường xuyên triển khai công tác cắt tỉa cây xanh để phòng ngừa sự cố lưới điện

 Xóa “mạng nhện” cáp viễn thông

Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tai nạn điện trong dân, làm 5 người chết. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ tai nạn điện trong dân làm 1 người tử vong và 1 người bị thương. Nguyên nhân của các vụ việc trên chủ yếu là do giông, lốc vào mùa mưa gây chạm chập điện, nhất là cáp viễn thông bị nhiễm điện rơi xuống đất hoặc chạm điện sau công tơ bị rò rỉ điện, người dân bất cẩn không có bảo hộ phòng ngừa gây ra những vụ tai nạn điện đáng tiếc.

Trước tình hình đó, công tác chỉnh trang cáp viễn thông được ngành chức năng quan tâm thực hiện nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố lưới điện liên quan đến cáp viễn thông. Cụ thể như tại TP.Dĩ An, ngành chức năng đã bó cáp viễn thông trên 20 tuyến đường và ngầm hóa cáp viễn thông được 7 tuyến đường. Trong khi đó, hệ thống dây cáp viễn thông trên các trục đường chính tại TP.Tân Uyên như ĐT747A, ĐT747B, ĐT746… đã được chỉnh trang, góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị và hạn chế thấp nhất xảy ra chạm chập điện.

Cùng với địa phương, từ năm 2020, PCBD đã phối hợp với Xí nghiệp Dịch vụ điện lực Bình Dương cùng đơn vị viễn thông xử lý dứt điểm 3.000 vị trí “mạng nhện” cáp viễn thông gây nguy hiểm, mất mỹ quan đô thị. Đến nay, các vị trí cáp viễn thông tiềm ẩn nguy hiểm trên trụ điện của 223 tuyến lưới điện đã được đơn vị chức năng xử lý.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc PCBD, qua công tác kiểm tra vào cuối năm 2023 cho thấy nhiều vị trí cáp viễn thông gây mất an toàn phát sinh mới chưa được xử lý triệt để, gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa và khắc phục sự cố lưới điện, cũng như mất an toàn cho công nhân khi tác nghiệp trên lưới điện. Để xảy ra tình trạng trên có trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông, thông tin khi chưa thu hồi cáp “rác”.

“Hiện nay, PCBD đang tiếp tục phối hợp với các nhà mạng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống cáp viễn thông, thông tin; đồng thời khẩn trương xử lý triệt để cáp hư hỏng hoặc không sử dụng vẫn còn treo trên lưới, nhất là những vị trí nguy hiểm, có nguy cơ chạm chập, cháy nổ vào mùa mưa bão”, ông Nguyễn Trung Thu cho biết thêm.

Sử dụng điện an toàn

Bên cạnh công tác chỉnh trang cáp viễn thông, ngành chức năng còn quan tâm đến việc triển khai các giải pháp nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức về sử dụng điện an toàn, nhất là vào mùa mưa. Nói về công tác này, ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc PCBD, cho biết để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn điện trong dân, PCBD đang tăng cường tuyên truyền an toàn điện đến người dân thông qua báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Đài Truyền thanh các địa phương, trang thông tin của ngành điện và các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, PCBD còn phối hợp với đơn vị liên quan trực tiếp đến từng hộ dân sinh sống gần hoặc trong hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ), khu vực đông dân cư để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn điện.

Song song với công tác tuyên truyền, PCBD còn tổ chức kiểm tra lưới điện định kỳ hàng tháng và đột xuất (sau khi mưa bão, thời tiết bất thường) để kịp thời phát hiện và xử lý ngay các khiếm khuyết nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn và liên tục cho khách hàng. Ngay từ đầu mùa mưa, PCBD đã phối hợp với các đơn vị liên quan phát quang, cắt tỉa cây xanh ở trong hoặc gần HLATLĐ. Khi kiểm tra, phát hiện cây xanh có nguy cơ vi phạm hoặc ngã đổ vào lưới điện, PCBD kịp thời thông báo, hướng dẫn các biện pháp an toàn cho đơn vị quản lý cây xanh để phối hợp chặt tỉa.

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Dương, đơn vị còn tăng cường kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng ngăn chặn, quyết liệt xử lý khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn điện. Ngoài ra, PCBD còn phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kết hợp tuyên truyền về an toàn sử dụng điện và ngăn ngừa cháy nổ.

Thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị điện vào mùa mưa

Để phòng tránh tai nạn điện đáng tiếc, PCBD khuyến cáo người dân nên sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện có thương hiệu và lắp đặt CB chống giật cho hệ thống điện trong gia đình, doanh nghiệp. CB chống giật có khả năng ngắt ngay nguồn điện khi có hiện tượng chạm chập, rò điện… so với CB thông thường. Khi lắp ổ cắm điện, công tắc nên lắp đặt ở vị trí cao hơn 1,4m để trẻ em không với tới được. Các thiết bị điện thường xuyên tiếp xúc nguồn nước như máy giặt, tủ lạnh, bếp điện, bình nước nóng… cần thực hiện nối đất.

Đặc biệt, khi có mưa gió lớn, người dân cần lưu ý không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới trạm biến áp; không chạm trực t iếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, dây cáp viễn thông; nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (biển hiệu, bảng quảng cáo…) khi mưa to, gió lớn…

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ