| 15-11-2024 | 10:57:04

Báo động bệnh suy thận tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa

 Bệnh suy thận trên địa bàn tỉnh đang gia tăng ca mắc và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thực tế này không chỉ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn đặt ra nhiều thách thức cho ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Bệnh nhân lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

 Gia tăng ca chạy thận nhân tạo

Những năm gần đây, bệnh nhân suy thận mạn có xu hướng gia tăng, kéo theo nhu cầu chạy thận nhân tạo ngày càng lớn. Khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Trung tâm Y tế TP.Thuận An và TP.Tân Uyên, nhu cầu chạy thận nhân tạo của người dân đã vượt quá khả năng phục vụ, dẫn đến tình trạng quá tải và phải hoạt động 3 ca/ngày. Ước tính hiện có khoảng 2.000 bệnh nhân trong tỉnh cần chạy thận thường xuyên. Rất nhiều bệnh nhân suy thận mạn có nhu cầu chạy thận nhưng không còn máy chạy thận trống.

“Bệnh thận mãn tính không thể điều trị khỏi hoàn toàn, chủ yếu làm chậm quá trình phát triển của bệnh đến giai đoạn cuối. Người dân, nhất là người trẻ tuổi không nên chủ quan bỏ qua các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Khi có các biểu hiện bất thường, như: Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chán ăn, khó ngủ, mất tập trung, đau đầu, chóng mặt, sụt cân, rối loạn tiểu tiện, tiểu máu, nước tiểu có bọt…, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)

Theo số liệu thống kê năm 2023, Trung tâm Y tế TP.Thuận An ghi nhận số ca chạy thận gia tăng rất lớn, với hơn 6.000 lượt người bệnh chạy thận. Trong 9 tháng đầu năm 2024 con số này tăng lên đến 6.200 lượt. Để bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chạy thận nhân tạo, các bác sĩ và điều dưỡng luôn theo dõi sức khỏe của bệnh nhân trong suốt thời gian lọc máu, sử dụng nguồn nước RO đạt tiêu chuẩn và áp dụng quy trình lọc máu hiệu quả, mang lại sự thoải mái nhất cho bệnh nhân. Việc chẩn đoán, phân loại, theo dõi và điều trị bệnh thận mạn ở bệnh nhân chưa lọc máu và lọc máu là một vấn đề phức tạp vì có nhiều biến chứng tổn thương đến nhiều cơ quan trong cơ thể, như: Tim mạch, thần kinh, thiếu máu, loạn dưỡng xương, rối loạn điện giải, nội tiết...

Trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết bệnh thận không phân biệt giới tính, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. “Bệnh thận nguy hiểm bởi diễn biến âm thầm, không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt và rất khó phát hiện, khiến phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện đều đã ở giai đoạn nặng. Lúc này cuộc sống của bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào máy lọc thận, với tần suất lọc thận 3 lần/ tuần, mỗi lần mất khoảng 4 tiếng”, bác sĩ Chín cho biết.

Đáng lo ngại hơn là tỷ lệ người bệnh trẻ tuổi mắc bệnh và phải lọc máu chu kỳ cũng có xu hướng tăng. Dự báo số lượng người mắc suy thận mạn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khoảng 2.000 bệnh nhân trong tỉnh cần chạy thận thường xuyên, có hơn 25% bệnh nhân chạy thận dưới 40 tuổi. Nguyên nhân do người trẻ tiếp xúc với nhiều nguy cơ mắc bệnh, như: Môi trường lao động độc hại, ăn các loại thực phẩm sử dụng nhiều hóa chất độc hại để bảo quản; lạm dụng rượu bia. Ngoài ra, thói quen tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng bừa bãi cũng là nguyên nhân dẫn đến người suy thận ngày càng trẻ hóa.

Hầu hết người trẻ không có biểu hiện gì về bệnh thận, chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám nghĩa vụ quân sự, tiền hôn nhân hay kiểm tra sức khỏe định kỳ. Người trẻ khi phát hiện mắc bệnh thận thường ở giai đoạn cuối nên có tâm lý chán nản, không tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị. Đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, để phòng ngừa các bệnh lý về thận, người dân cần chủ động khám sức khỏe định kỳ, ăn ít muối, uống đủ nước (2 lít/ngày), tăng cường vận động, dinh dưỡng cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật.

Theo báo cáo của ngành bảo hiểm xã hội, chi phí thanh toán cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả. Người bị suy thận trong giai đoạn cuối buộc phải lọc máu định kỳ suốt đời. Bệnh chỉ có thể khắc phục trừ khi được ghép thận nhưng phương pháp này vẫn chưa phổ biến bởi nguồn tạng hiến khan hiếm, chi phí ghép tạng cao, lọc máu định kỳ vẫn là phương pháp chính yếu cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

 Bệnh nhân N.H.A. (SN 1987, ở phường Bình Hòa, TP.Thuận An) bị viêm cầu thận nhưng do chủ quan, không điều trị nên bệnh chuyển sang mãn tính và suy thận, phải chạy thận nhân tạo. N.H.A. cho biết mình phải đi lọc máu 3 lần/tuần; mỗi lần mất 4 tiếng nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.

 KIM HÀ

Chia sẻ