Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trước thông tin si rô ho trẻ em chứa độc tố, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Theo đó, ngành y tế tỉnh đã tiến hành rà soát các sản phẩm thuốc ho có liên quan tại các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh.
Thuốc ho không được khuyến nghị dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Trong ảnh: Khám bệnh hô hấp, ho, khò khè cho trẻ tại TP.Thủ Dầu Một
Rà soát các sản phẩm thuốc ho
Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo với người dân về hai loại si rô Ambronol và DOK-1 Max do Marion Biotech (Ấn Độ) sản xuất chưa được cấp phép số đăng ký tại Việt Nam. Theo đó, ngành y tế tỉnh cũng tiến hành rà soát các sản phẩm thuốc ho có liên quan tại các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, ngành chưa phát hiện các sản phẩm này bán trên thị trường, các nhà thuốc. Tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo người dân chỉ nên mua các sản phẩm thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp số đăng ký lưu hành, tránh mua, sử dụng các sản phẩm trôi nổi được rao bán trên các trang mạng xã hội.
Liên quan tới thuốc ho không kê đơn dành cho trẻ em, nhiễm độc đã được WHO kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Thuốc ho không kê đơn dành cho trẻ em đã được WHO xác nhận nghi ngờ nhiễm diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) ở mức độ cao. Đây là những hóa chất độc hại được sử dụng làm dung môi công nghiệp và chất chống đông, có thể gây tử vong dù chỉ với một lượng nhỏ. Những chất này không bao giờ được có trong dược phẩm. Mức độ độc hại cao của hai hóa chất này có liên quan trực tiếp đến việc gây ra các biến chứng nghiêm trọng trong cơ thể của những người sử dụng. Các triệu chứng mà các độc tố này gây ra, như: Đau bụng, nôn, tiêu chảy, bí tiểu, đau đầu, thay đổi trạng thái tinh thần và tổn thương thận cấp tính có thể dẫn đến tử vong… Các quốc gia có số ca tử vong cao nhất liên quan đến si rô ho bị nhiễm độc là Gambia, Indonesia và Uzbekistan; tổng số ca tử vong được thống kê khoảng 300 ca.
Trước đó, WHO cảnh báo việc sử dụng si rô ho do chứa hóa chất độc hại đối với 4 sản phẩm si rô ho khác cho trẻ em là: Dung dịch uống promethazine, si rô kofexmalin, si rô makoff và si rô cảm lạnh magrip N… Tất cả các loại si rô ho này được sản xuất bởi Maiden Pharmaceuticals Limited, Haryana, Ấn Độ. Tiếp đó, vào tháng 11-2022, WHO tiếp tục đưa ra cảnh báo đối với 8 sản phẩm được xác định ở Indonesia, sản xuất bởi PT Afi Farma, gồm: Si rô termorex (lô AUG22A06), si rô flurin DMP, si rô ho unibebi, si rô unibebi demam paracetamol, si rô unibebi demam paracetamol, thuốc nhỏ giọt paracetamol, si rô paracetamol (bạc hà) và si rô vipcol. Qua rà soát, hiện các loại si rô này không được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Tại Bình Dương, qua theo dõi của P.V ở các nhà thuốc, các sản phẩm này không có trên thị trường và không được phép lưu hành.
Khi nào trẻ dùng thuốc ho?
Khi trẻ bị ho, nhiều bậc cha mẹ vội cho trẻ dùng thuốc ho để dứt cơn ho. Trên thực tế, những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm quá liều gây tử vong ở trẻ em dưới 2 tuổi. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: Ho là một trong những triệu chứng khó chịu nhất của viêm đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ mà các triệu chứng về đêm có thể gây gián đoạn giấc ngủ. Thuốc ho không được khuyến nghị dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Điều trị ho sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ho. Hầu hết các cơn ho đều do vi rút gây ra và sẽ tự khỏi. Các bác sĩ thường không kê đơn thuốc kháng sinh vì thuốc chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn. Thuốc có thể giúp trẻ ngừng ho nhưng không điều trị nguyên nhân gây ho.
Khi trẻ bị ho, các phương pháp điều trị ho không dùng thuốc cũng phát huy tác dụng, như: Uống nhiều nước, đặc biệt là đồ uống ấm để làm dịu cổ họng. Cha mẹ khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều, ăn nhiều trái cây, rau củ quả để t ăng cường miễn dịch và thực hành vệ si nh tay... để phòng ngừa bệnh”. (Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) |
Khi cha mẹ cho trẻ dùng thuốc ho, tốt nhất nên được dùng dưới sự giám sát chặt chẽ của dược sĩ hoặc bác sĩ. Nếu cần thiết, cha mẹ có thể cân nhắc dùng thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn cho trẻ em từ 6 - 12 tuổi sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ và việc điều trị không được kéo dài quá 5 ngày. Nhiều loại thuốc ho và thuốc cảm lạnh có chứa một số hoạt chất, cha mẹ nên đọc nhãn cẩn thận hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để hiểu những hoạt chất này và những tương tác thuốc có thể xảy ra với các loại thuốc khác mà trẻ đang dùng, tránh dùng thuốc có chứa hoạt chất cùng loại đề phòng quá liều.
“Nếu trẻ gặp bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ nào nghi ngờ có liên quan đến thuốc đã dùng, cha mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ. Một số loại thuốc ho vào cơ thể mẹ đang cho con bú có thể gây phản ứng bất lợi ở trẻ bú mẹ. Trường hợp này người nhà cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu đang cho con bú để họ có thể xem xét các lựa chọn khác. Đối với các loại thuốc có chứa codein, do có khả năng gây ra các phản ứng có hại nghiêm trọng, bao gồm quá mức an thần, ức chế hô hấp và tử vong ở trẻ bú mẹ, cha mẹ không nên cho con bú trong khi điều trị bằng codein”, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt cho biết thêm.
KIM HÀ