| 25-08-2023 | 09:58:55

“Bát nháo” các trung tâm ngoại ngữ hoạt động không phép

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm trung tâm ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đông đảo người dân. Tuy nhiên, đáng nói là nhiều trung tâm hoạt động khi chưa đủ điều kiện để cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cũng như chất lượng đào tạo, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của học viên.


Mặc dù chưa được cấp phép nhưng Trung tâm ngoại ngữ N.V. (phường Tân Bình, TP.Dĩ An) vẫn tổ chức dạy Anh văn (Ảnh chụp sáng ngày 19-8)

Chưa cấp phép vẫn công khai hoạt động

Trong những năm gần đây, nhu cầu học ngoại ngữ của người dân, nhất là ở lứa tuổi mầm non, học sinh, sinh viên ngày càng tăng. Nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con em học ngoại ngữ chất lượng cao với số tiền lớn. Do đó, nhiều trung tâm ngoại ngữ được thành lập, giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn phù hợp. Bên cạnh những trung tâm đủ điều kiện hoạt động thì vẫn có một số trung tâm chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động “chui”.

Để thông tin khách quan, chính xác, P.V Báo Bình Dương đã chủ động liên hệ với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để cung cấp thông tin về một số trung tâm ngoại ngữ có dấu hiệu hoạt động “chui” nhằm phối hợp xác minh, làm rõ. Vào đầu tháng 8, P.V đã có buổi làm việc với chuyên viên phụ trách thành lập trung tâm ngoại ngữ và Thanh tra Sở GD-ĐT về vấn đề trên.

Tại buổi làm việc, chuyên viên Sở GĐ-ĐT đã cung cấp cho P.V danh sách hơn 100 trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngoài những trung tâm ngoại ngữ vẫn đang trong thời hạn hoạt động theo giấy phép thì có nhiều cơ sở đang làm hồ sơ dừng hoạt động, hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép giáo dục trở lại hoặc gia hạn...

Qua rà soát danh sách này, kết hợp với thông tin P.V cung cấp, có thể khẳng định có nhiều trung tâm ngoại ngữ được phản ánh đang hoạt động không phép. Kết thúc buổi làm việc, chuyên viên và Thanh tra Sở GD-ĐT cho biết sẽ thông tin cho lãnh đạo sở để có biện pháp kiểm tra, xử lý những trung tâm ngoại ngữ hoạt động không phép.

Ngoài làm việc với Sở GĐ-ĐT, P.V Báo Bình Dương đã cung cấp thông tin những trung tâm ngoại ngữ có dấu hiệu hoạt động không phép cho lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một để phối hợp, kiểm tra xử lý. Sau khi tiến hành xác minh, bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ thông tin P.V Báo Bình Dương cung cấp, phòng đã tổ chức rà soát, phát hiện trung tâm ngoại ngữ H.Ng. và Ng.S. đang trong thời gian xin cấp phép hoạt động mà đã tổ chức quảng cáo, tuyển sinh. Ngoài 2 cơ sở trên, phòng còn phát hiện một số trung tâm khác cũng có hành vi tương tự, nên đã báo cáo cho Sở GT-ĐT kiểm tra.

Tính đến ngày 1-6- 2023, trên địa bàn tỉnh có 135 trung tâm ngoại ngữ - tin học được cấp phép thành lập, hoạt động. Trong những tháng đầu năm 2023, Sở GD-ĐT đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tại 23 trung tâm ngoại ngữ - tin học trên địa bàn TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một. Qua kiểm tra, Sở GD-ĐT đã mời làm việc, yêu cầu 18 cơ sở cam kết chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ - tin học.

Cần chấn chỉnh kịp thời

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một hiện có 47 trung tâm ngoại ngữ, tin học được Sở GD-ĐT cấp phép hoạt động. Phòng GD-ĐT thành phố đã tham mưu UBND thành phố triển khai kế hoạch phối hợp với UBND các phường kiểm tra về mặt hành chính tại các trung tâm ngoại ngữ theo thẩm quyền, nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm thì sẽ báo cáo về Sở GD-ĐT để có biện pháp xử lý.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết địa phương thường xuyên phối hợp với Sở GD-ĐT tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động giảng dạy, học tập tại các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn. Nhằm lập lại trật tự hoạt động đào tạo ngoại ngữ - tin học trên địa bàn, ngành chức năng TP.Dĩ An đã tổ chức kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy và giáo dục, đào tạo tại hơn 50 trung tâm ngoại ngữ - tin học. Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã yêu cầu các cơ sở chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế theo từng lĩnh vực.

“Địa phương luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng phải chấp hành tốt quy định pháp luật khi hoạt động trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ. Đồng thời, địa phương cũng quan tâm đến chất lượng hoạt động đào tạo ngoại ngữ trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có được môi trường học tập tốt nhất”, ông Phạm Văn Bảy nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V Báo Bình Dương qua điện thoại về hướng xử lý những trung tâm ngoại ngữ hoạt động không phép, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết sắp tới đơn vị sẽ mời đại diện chủ đầu tư một số trung tâm ngoại ngữ để làm việc và yêu cầu họ ngừng hoạt động những cơ sở chưa được cấp phép. Đồng thời, sở sẽ giao Phòng GD-ĐT các địa phương phối hợp rà soát, kiểm tra cơ sở hoạt động không phép, nếu phát hiện vi phạm thì báo cáo cho sở xử lý theo thẩm quyền.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, tình hình hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 kéo dài và kinh tế khó khăn. Nhiều trung tâm hoạt động trong tình trạng thiếu nhân sự, cơ sở vật chất xuống cấp không đủ điều kiện bảo đảm cho hoạt động dạy và học. Một số trung tâm phải dừng hoạt động, thậm chí giải thể, trong đó khó khăn phần lớn liên quan đến nhân sự và chi phí vận hành hoạt động.

Trước tình hình trên, Sở GD-ĐT đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ - tin học. Cụ thể, Sở GD-ĐT đã đề nghị các địa phương khảo sát, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động tại các trung tâm ngoại ngữ - tin học, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả rà soát của các địa phương, Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 2399/ SGDĐT-TCCB ngày 24-10- 2022 về việc công khai danh sách các trung tâm hoạt động theo hình thức không chính quy trên địa bàn tỉnh.

Theo đại diện Sở GD-ĐT, thời gian qua, sở cùng các ngành chức năng luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực giáo dục liên quan đến bồi dưỡng ngoại ngữ - tin học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ chính khóa theo hình thức không chính quy trên địa bàn tỉnh. Song song đó, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các chủ đầu tư cam kết hoàn thiện các nội dung còn tồn tại để bảo đảm các trung tâm từng bước đi vào hoạt động nề nếp, ổn định và tuân thủ quy định pháp luật.

Đồng thời, Sở GD-ĐT đã đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường hỗ trợ, thực hiện rà soát, thống kê, cập nhật tình trạng hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ; chủ động kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có dấu hiệu xảy ra vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của học viên, người lao động, an toàn đến tính mạng, an ninh trật tự thì Sở GD-ĐT đề nghị các địa phương theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời báo cáo về sở nhằm kịp thời nắm bắt thông tin và phối hợp trong việc xử lý các trường hợp vi phạm một cách chặt chẽ, chính xác, đúng quy định.

Qua tìm hiểu của P.V, được biết hiện trên địa bàn tỉnh Trung tâm ngoại ngữ Ng.S. chỉ có một cơ sở được cấp phép hoạt động có địa chỉ trong khu đô thị hành chính TP.Dĩ An. Tuy nhiên tại TP.Thủ Dầu Một, P.V phát hiện có thêm một trung tâm ngoại ngữ cùng tên Ng.S. ở khu phố 9, phường Hiệp An vừa khai trương đang triển khai các chương trình khuyến mại chiêu sinh.

Trước đó vào ngày 1-7, trong quá trình thi công biển quảng cáo tại trung tâm ngoại ngữ này đã xảy ra một vụ tai nạn điện làm 1 người chết . Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nạn nhân đã vô ý đưa thanh sắt dài lên cao thuộc khoảng cách phóng điện của lưới điện trung thế và bị điện giật ngã từ độ cao hơn 5m xuống đất dẫn đến tử vong.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ