Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để đạt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015- 2020 là 5 - 6% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, Huyện ủy Bàu Bàng đã xây dựng Chương trình chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Bàu Bàng sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các sản phẩm nông sản có thế mạnh…
Xu hướng đã hình thành
Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo đúng hướng, lãnh đạo đúng đắn, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện Bàu Bàng đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng cao, từng bước giảm dần tỷ trọng trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Theo số liệu thống kê năm 2015, Bàu Bàng có diện tích cây công nghiệp lâu năm và cây hàng năm trên 26.000 ha. Chăn nuôi phát triển mạnh, tổng đàn gia súc trong năm 2015 đạt 185.099 con, tổng đàn gia cầm đạt 1.935.000 con. Trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được nâng cao, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Các câu lạc bộ các trang trại trồng cây có múi, các mô hình trồng ổi lê Đài Loan… ra đời đã góp phần hình thành xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Song song đó, mạng lưới bán lẻ, chợ nông thôn được mở rộng đã góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích khích sản xuất. Công nghiệp chế biến nông sản phát triển mạnh, sự đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ và tiên tiến đã tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như cao su, heo, gà... nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm đạt chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Mô hình trồng ổi lê Đài Loan ở xã Trừ Văn Thố đem lại nguồn thu ổn định cho người dân. Trong ảnh: Vườn ổi lê của ông Lê Hoàng Châu,
ấp 4, xã Trừ Văn Thố. Ảnh: H. PHẠM
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được nhiều thành quả, nhưng so với tiềm năng, lợi thế của huyện và yêu cầu đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Có thể thấy rõ là các mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp chậm được đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Công nghiệp chế biến chưa gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp chưa tương xứng với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Từ các yếu tố đó dẫn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường hạn chế, thương hiệu nông sản chưa được chú trọng. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhỏ lẻ, các khu nông nghiệp công nghệ cao mới bắt đầu triển khai, chưa nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các hộ nông dân...
Đẩy mạnh chuyển dịch
Từ thực tế phát triển nông nghiệp trên địa bàn, Huyện ủy Bàu Bàng đã chỉ đạo xây dựng Chương trình chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao giai đoạn 2016-2020. Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết: “Quan điểm của huyện khi xây dựng Chương trình chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao giai đoạn 2016- 2020 là phải chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, có năng suất, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, đô thị và xây dựng nông thôn mới; từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao nhằm khai thác tối đa, hiệu quả đất nông nghiệp ở các vùng ven đô và đất chưa sử dụng trong đô thị; giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, lao động bán thời gian; đáp ứng nhu cầu thực phẩm, cảnh quan môi trường sinh thái cho dân cư đô thị và công nghiệp”.
Theo đó, Bàu Bàng sẽ định hướng phân vùng chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao với một số lĩnh vực trọng tâm. Cụ thể là rau an toàn các loại; hoa, cây cảnh các loại; cây ăn quả đặc sản như cây có múi, măng cụt và chăn nuôi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Chí, để đạt được mục tiêu đề ra, trước tiên huyện phải quy hoạch và đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành; huy động tốt các nguồn lực để tăng đầu tư cho phát triển sản xuất; tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ…
Chương trình chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phát triển nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp kỹ thuật công nghệ cao; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững theo quy hoạch. Chương trình phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 5 - 6%/năm; trong đó trồng trọt tăng 3,5%/năm, chăn nuôi 8,0%/năm; dịch vụ nông nghiệp tăng khoảng 6,5%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 - 110 triệu đồng/năm…
THU THẢO