| 12-04-2017 | 22:04:23

Bế mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II-Bình Dương 2017  

(BDO) Tối 12-4, tại Trung tâm Hội nghị-Triển lãm tỉnh, Ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ II- Bình Dương 2017 tổ chức Lễ bế mạc với chủ đề “Phương Nam ngày mới”.
 
Tham dự có các đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí đại diện các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
 

Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng hoa cho các đoàn đạt huy chương vàng tại Festival. (Ảnh: Xuân Thi)

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao giải thưởng cho các đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành. (Ảnh: Xuân Thi)

Lễ bế mạc có Chương trình nghệ thuật chào mừng thành công của Festival với các tiết mục văn nghệ như “Duyên kỳ ngộ”, đại cảnh tổng hợp “Giai điệu mùa xuân”, hoạt cảnh sân khấu “Ánh bình minh”, tân cổ giao duyên “Nắng gió phương Nam”… cùng với các đoạn clip phỏng vấn Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên- nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ-nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Kiều Tấn.
 
Sau chương trình nghệ thuật là phần lễ khai mạc và kết thúc là văn nghệ chủ đề “Bình Dương-lời chào tạm biệt” với phần biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm múa đến từ TP. Hồ Chí Minh thể hiện sự phát triển của Bình Dương, cũng như tình đất, tình người nơi đây.

21 người mẫu đại diện 21 tỉnh, thành phía Nam có đờn ca tài tử chào mở màn cho chương trình bế mạc. (Ảnh: Thiên lý- Minh Hiếu)

Các ca sĩ, diễn viên biểu diễn bài Tân cổ giao duyên "Nắng gió phương Nam". (Ảnh: Thiên lý- Minh Hiếu)

Hình ảnh sông trăng đẹp, trữ tình, lãng mạn được đạo diễn đưa lên sân khấu chương trình nghệ thuật. (Ảnh: Thiên lý- Minh Hiếu)

 

Các em thiếu nhi biểu diễn Liên khúc các bài bản nhỏ tài tử "Long Hổ hội", "Thu Hồ" "Tam pháp nhập môn". (Ảnh: Thiên lý- Minh Hiếu)

Cũng trong đêm bế mạc, Ban tổ chức Festival đã trao 14 giải thưởng cao nhất của Hội thi ĐCTT và Không gian ĐCTT cho các đơn vị, cá nhân; 8 giải nhất Cuộc thi sáng tác lời mới, bài ca vọng cổ, chặp cải lương, thi ảnh nghệ thuật “khoảnh khắc đẹp”; trao 27 Bằng khen cho 21 đoàn nghệ thuật ĐCTT các tỉnh, thành, 2 Tổng đạo diễn và 4 đơn vị thực hiện các hạng mục của Festival.
 
Cụ thể, giải A Không gian ĐCTT thuộc về TP. Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh; giải I Cuộc thi sáng tác ảnh “Khoảnh khắc đẹp” thuộc về tác phẩm Tiếng tơ lòng của tác giả Võ Văn Bằng (tỉnh Long An); Cuộc thi sáng tác Bài ca vọng cổ và chặp cải lương, giải nhất là tác phẩm “Đêm Nguyệt Cầm” của tác giả Phạm Ngọc Phú (Bình Dương), “Nỗi nhớ Bình Dương” của Vưu Long Vĩ (Bạc Liêu), “Về quê” của Xuân Anh (Bạc Liêu)… Đặc biệt, trong đêm bế mạc, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã trao cờ đăng cai tổ chức Festival lần thứ III cho tỉnh Cần Thơ.
 
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban tổ chức Festival nhấn mạnh, những ngày diễn ra Festival tại Bình Dương thật sự là những ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là dịp để các tỉnh, thành bạn hiểu thêm về đất và người Bình Dương hiền hòa, nghĩa tình và thân thiện; đồng thời qua Festival này cũng nhắc nhở chúng ta cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng và trường tồn cùng dân tộc.
 
 
 
Festival ĐCTT lần thứ II đã khép lại nhưng Ban tổ chức hy vọng nghệ thuật ĐCTT, loại hình âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc gắn liền với bản sắc văn hóa Nam Bộ sẽ tiếp tục được phát triển, vang vọng theo dòng chảy của thời gian, lưu truyền cho các thế hệ mai sau và song hành cùng cuộc sống của người dân Nam Bộ; quảng bá thêm về nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khi hội nhập với các nước trên thế giới.
M.HIẾU-T.LÝ

 

Chia sẻ