Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Giữa đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người mắc bệnh lý nền như viêm gan là một trong những đối tượng được cảnh báo nguy cơ có thể diễn tiến nặng hơn khi mắc Covid-19 so với những người bình thường khác. Vậy người bị viêm gan cần phải lưu ý như thế nào trong đại dịch Covid-19?
Người bị bệnh viêm gan cần tiêm vắc xin phòng Covid-19
Tăng cường kết nối với bác sĩ để điều trị viêm gan
Covid-19 gắn kết và xâm nhập vào tế bào đích thông qua men chuyển Angiotensin 2 (ACE2) và men này hiện diện ở các tế bào biểu mô gan, tế bào ống mật. Do vậy, vi rút có thể xâm nhập vào các tế bào gan và ống mật. Ở những người mắc Covid-19 nhập viện, qua ghi nhận có tình trạng tăng men gan và tăng dưới 2 lần mức trên giá trị bình thường. Tăng men gan phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan, có thể do vi rút trực tiếp gây ra hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, các thuốc được dùng để kiểm soát triệu chứng Covid-19 cũng có thể gây độc cho gan nhưng hiếm khi dẫn đến phải ngừng điều trị. Người bệnh Covid-19 có tăng men gan thường nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với người bệnh không có tăng men gan. Tuy nhiên, tổn thương gan trong các trường hợp Covid-19 nhẹ thường không cần điều trị đặc hiệu ngoài việc chăm sóc hỗ trợ, nâng đỡ.
Hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, do đó có nhiều người ngại tới bệnh viện, sợ đến bác sĩ, nên dùng đơn thuốc bác sĩ kê và dùng liên tục mà không đi kiểm tra lại. Điều này rất nguy hiểm. Đối với bệnh nhân viêm gan cần tăng cường tiếp cận với truyền thông để hiểu bản chất của bệnh, giúp duy trì điều trị mà không sợ Covid-19. Để làm được việc này, người bệnh viêm gan cần tăng cường kết nối với thầy thuốc. Điều này rất quan trọng, nhưng lại chưa được coi trọng. Trước đây, nếu bệnh nhân gặp và kết nối trực tiếp với bác sĩ thì bây giờ trong bối cảnh đại dịch, cần tăng cường hơn sự kết nối. Các hình thức kết nối dễ dàng như liên lạc qua internet, Zalo, Viber... Kết nối này giúp cung cấp thông tin 2 chiều. Bệnh nhân cung cấp thông tin về bệnh của mình cho thầy thuốc. Ngược lại, thầy thuốc có thông tin để chỉ dẫn cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân khám ở đâu, điều trị cái gì, cần làm xét nghiệm gì; thậm chí có thể phải thay đổi thuốc và chiến lược điều trị.
Giữa đại dịch Covid-19, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp ngăn ngừa phòng bệnh Covid-19 được Bộ Y tế khuyến cáo, người bệnh viêm gan nên thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, bia rượu… đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt nhất. Cách tốt nhất để tránh Covid-19 là tránh phơi nhiễm với vi rút gây bệnh. Ngay cả sau khi đã tiêm vắc xin phòng Covid-19, người bệnh viêm gan vẫn nên tiếp tục thực hiện các bước để bảo vệ bản thân bao gồm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, tránh đám đông và những nơi thông gió kém.
“Bệnh viêm gan - không thể chờ đợi”
Ngày Viêm gan Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 28-7 nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh viêm gan do vi rút, một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Hiện có 5 chủng vi rút viêm gan chính là A, B, C, D và E. Trong đó, viêm gan B và C là những chủng phổ biến nhất dẫn đến hơn 1 triệu ca tử vong và 3 triệu ca nhiễm mới mỗi năm trên thế giới. Trong 5 chủng vi rút gây bệnh viêm gan nói trên, chủng gây bệnh viêm gan A và B đã có vắc xin phòng ngừa. Viêm gan đã và đang là thách thức to lớn đối với nền y tế thế giới và khu vực nói chung, với Việt Nam nói riêng.
Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao trên thế giới. Viêm gan vi rút nếu không được phát hiện sớm và điều trị tốt sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng như xơ gan, ung thư gan và được ví như “sát thủ thầm lặng” với sức khỏe con người. Tỷ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam xếp thứ 4 thế giới, trung bình cứ 100.000 dân có hơn 23 người mắc bệnh. Trong khi đó, 80% ca ung thư gan bắt nguồn từ viêm gan B, 5% từ viêm gan C.
Ngày Viêm gan Thế giới 28-7 năm nay với chủ đề “Viêm gan - không thể chờ đợi” nhằm truyền tải sự cấp thiết của nỗ lực loại bỏ bệnh viêm gan, mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Cứ 30 giây lại có một người chết vì bệnh liên quan đến viêm gan và ngay cả trong đại dịch Covid-19 hiện nay chúng ta không thể chờ đợi hay trì hoãn các hành động để phòng, chống bệnh viêm gan.
Mỗi người dân cần phải khám sức khỏe định kỳ hàng năm, tầm soát bệnh viêm gan và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh theo chỉ định của bác sĩ với nguyên tắc đủ liều, đúng lịch. Cộng đồng chung tay, thực hiện ngay để không mắc bệnh viêm gan.
K.HÀ-G.NHUNG