Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngành y tế tỉnh nhận định nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Ngành y tế tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh SXH
Hiện nay, đang là cao điểm của mùa dịch bệnh SXH. Việc mưa liên tục vào mỗi buổi chiều, nắng nóng vào buổi sáng sớm và trưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển làm lây lan nhanh bệnh SXH trong cộng đồng. Các triệu chứng SXH thường xuất hiện từ 4 - 10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Một số triệu chứng điển hình, như: Sốt cao, có thể trên 40Co; đau đầu dữ dội; đau cơ, khớp; mệt mỏi; buồn nôn; phát ban trên da, xuất hiện từ 2 - 5 ngày sau khi bắt đầu sốt; xuất huyết nhẹ (chảy máu mũi, chảy máu nướu hoặc dễ bầm tím).
Bệnh nhi bị SXH nếu không chăm sóc, theo dõi có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm
Các triệu chứng thường dịu đi trong khoảng một tuần. Những người có hệ thống miễn dịch yếu cũng như những người có tiền sử mắc bệnh SXH có nguy cơ cao phát triển bệnh. Trẻ nhỏ và những người chưa bao giờ bị bệnh có triệu chứng nhẹ hơn so với trẻ lớn tuổi và người lớn.
Nói về biến chứng của bệnh SXH, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Khi bị SXH nặng nếu không được chăm sóc kỹ sẽ dẫn đến biến chứng. Biến chứng thường gặp nhất là: Đau dưới bờ sườn phải, xuất huyết tiêu hóa, suy đa tạng, sẽ dẫn đến truỵ mạch... Cụ thể, khi hiện tượng thoát huyết tương xảy ra, chúng sẽ tràn qua thành mạch dẫn đến việc cơ thể bị mất nước có dung tích lớn trong tuần hoàn. Từ đó gây ra hiện tượng trụy mạch”.
Một biến chứng khác sau SXH có thể kể đến đó là tình trạng rối loạn đông máu. Biểu hiện bệnh là rong kinh lâu ngày, chảy máu chân răng, chảy máu cam thậm chí là xuất huyết nội tạng, người lớn có thể bị xuất huyết não. Đây cũng chính là nguyên nhân căn bản gây tử vong đáng tiếc cho người bệnh. SXH có thể để lại biến chứng về mắt, trường hợp xấu, bệnh nhân có thể bị mù đột ngột dù không hề đau nhức mắt. Là do hiện tượng xuất huyết võng mạc dẫn tới các mạch máu của mắt bị tổn thương và máu cũng sẽ thấm vào những lớp mỏng che võng mạc làm cho mắt người bệnh có thể mù bất ngờ.
Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Bệnh SXH Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành thông qua việc muỗi đốt và hút máu. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nhưng đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng bệnh SXH, theo bác sĩ Trần Văn Chung, người dân cần phải loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi và diệt bọ gậy. Các gia đình cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.
Một vòng đời của muỗi cái có thể đẻ từ vài chục đến vài trăm trứng. Do đó, các hộ gia đình có thể thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy. Mỗi gia đình cần dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp, lau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (chum, vại...). Người dân cần thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng; sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.
Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn hoặc tủ đựng chén bát, người dân có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng. Các gia đình cần chú ý bình đựng hoa, phải thường xuyên thay nước, xông khói để xua muỗi; phát quang cây cối, bụi rậm để phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành và xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh.
H.LINH - D.HƯƠNG - H.MỸ