| 27-05-2016 | 09:14:37

Biện pháp bảo vệ cần thiết cho người tố cáo bị đe dọa

Hỏi: Khi người tố cáo bị đe dọa trả thù, gây hại đến tính mạng cũng như sức khỏe, tài sản, uy tín… thì họ có quyền yêu cầu được bảo vệ hay không và họ phải yêu cầu cơ quan, tổ chức nào? Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức này được quy định như thế nào?

ĐOÀN MINH HẢI (TX.Tân Uyên)

Trả lời: Theo Điều 39 Luật Tố cáo, khi người giải quyết tố cáo nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập thì có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật đối với người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo.

Khi người tố cáo có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình hoặc người thân thích của mình thì có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Trường hợp yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an kịp thời áp dụng các biện pháp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ:

- Bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe.

- Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người tố cáo và người thân thích của họ tại nơi cần thiết.

- Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo theo quy định của pháp luật.

- Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật

Luật gia XUÂN LẠC 

Chia sẻ