| 13-07-2016 | 07:20:57

Bình đẳng giới từ... việc nhà!

Cho dù xã hội hiện đại đi kèm với sự đa dạng hóa các loại hình dịch vụ gia đình (GĐ) như nội trợ, chăm sóc trẻ em và người già, các công việc GĐ khác như dọn dẹp nhà cửa, mua sắm... nhưng không phải tất cả mọi GĐ, mọi cá nhân đều được “giải phóng„ khỏi công việc nhà.

Bên cạnh những công việc xã hội mà mỗi thành viên trong GĐ đều thực hiện như đi làm, đi học... thì họ đều có nghĩa vụ phải tham gia các công việc nhà như nội trợ, dọn dẹp, mua sắm... bởi đó là cách họ tự đáp ứng và được đáp ứng những nhu cầu của cá nhân. Cùng chia sẻ công việc nhà cũng là cách để các thành viên gắn kết với nhau hơn. Nếu các thành viên có đủ khả năng thực hiện những công việc xã hội thì họ cũng có nghĩa vụ làm công việc nhà.

Vợ và chồng, con trai và con gái đều có nghĩa vụ như nhau trong việc thực hiện công việc nhà. Sự phân công công việc không nhất thiết tuân theo đặc điểm giới như phụ nữ làm nội trợ, nam giới làm những việc nặng mà tùy thuộc vào đặc điểm thể chất, sở thích, sở trường của từng cá nhân. Thời lượng thực hiện công việc nhà phải bảo đảm cho cá nhân đủ thời gian cũng như năng lực để thực hiện các công việc khác và tái tạo sức lao động.

Từ bình đẳng giới trong việc chia công việc nhà cho các thành viên thì cũng sẽ bình đẳng trong việc thụ hưởng các cơ hội. Đó là cơ hội về việc làm, học tập và phát triển cá nhân. Trong GĐ, thành viên thuộc độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) và tuổi đi học (từ bậc học mầm non trở lên), có đủ năng lực về sức khỏe và trí tuệ đáp ứng được những yêu cầu của công việc cũng như học tập đều có cơ hội ngang bằng về thời gian và điều kiện vật chất để có thể tham gia lao động và học tập. Không có sự phân biệt giữa bất kỳ thành viên GĐ nào trong việc hưởng thụ các cơ hội lao động và học tập phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của GĐ.

Các thành viên trong GĐ được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển những năng lực, sở trường của cá nhân sao cho phù hợp với chuẩn mực của xã hội và điều kiện cụ thể của GĐ. Các thành viên trong GĐ không phân biệt giới tính, tuổi tác đều có cơ hội ngang bằng nhau trong việc hưởng thụ sự chăm sóc y tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tái tạo sức lao động được cung cấp từ GĐ và xã hội. Việc phân chia tài sản, thừa kế tài sản giữa cha mẹ và con cái, vợ và chồng, anh chị em trong GĐ khi đang tồn tại cũng như khi kết thúc quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống đều phải tuân theo những quy định của pháp luật, bảo đảm sự công bằng.

Q.NHƯ (tổng hợp)

Chia sẻ