| 23-06-2021 | 08:20:06

Bình Dương, hành trình phát triển và thành tựu hôm nay - Kỳ 5

 

Kỳ 5: Giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương

“Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, Bình Dương đã ưu tiên ngân sách đầu tư cho giáo dục, từ đó giáo dục tỉnh nhà đã có bước phát triển liên tục, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước nói chung, quá trình xây dựng và phát triển Bình Dương nói riêng.

 Trường lớp ở các địa phương trong tỉnh được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Trường Mầm non Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên

 Đầu tư đúng mức

Trao đổi với chúng tôi về những kết quả ngành GD-ĐT tinh nhà đạt được trong thời gian qua, bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, chỉ tính trong 5 năm qua, GD-ĐT Bình Dương phát triển khá nhanh, số lượng trường, lớp các cấp đều tăng. Tính đến năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT tỉnh có 703 trường, trung tâm. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 287/370 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,57%. Đặc biệt, chất lượng giáo dục tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã nằm trong tốp đầu cả nước, đạt mục tiêu đề ra cho phát triển GD-ĐT Bình Dương.

Theo bà Phương Dung, thành quả trên xuất phát từ quá trình phấn đấu liên tục của tỉnh trong sự nghiệp “trồng người”, trong đó có việc quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm dành quỹ đất xây dựng trường học, cũng như xây dựng trường lớp theo thứ tự danh mục ưu tiên đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. “Ngân sách đầu tư phát triển trường, lớp tăng lên hàng năm; kinh phí hoạt động sự nghiệp giáo dục hàng năm được bảo đảm; chính sách của địa phương đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh (HS) được đổi mới kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển giáo dục và kinh tế - xã hội địa phương”, bà Phương Dung khẳng định.

Dõi theo bước phát triển của giáo dục tỉnh nhà chúng tôi thấy ngành GD-ĐT liên tục được đầu tư để đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở tất cả các cấp học. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch khá phù hợp với tình hình phát triển giáo dục và kinh tế - xã hội địa phương; tỷ lệ trường học xây mới theo hướng chuẩn hóa tăng đều hàng năm. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục được đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS.

 Nhiều trường học trong tỉnh được đầu tư phòng học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong ảnh: phòng học STEM của trường THCS Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một

Không ngừng nâng cao chất lượng

Chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, nhiều năm qua, Bình Dương đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo viên, HS của tỉnh nhà. Từ đó, chất lượng phát triển giáo dục ngày càng được nâng cao theo yêu cầu, chỉ tiêu phấn đấu của các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII.

Kết quả từ sự quyết tâm của ngành GD-ĐT và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp giáo dục đã mang lại những kết quả tích cực, trong đó chất lượng GD-ĐT tỉnh Bình Dương đã có bước phát triển đáng tự hào. Riêng trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia, trong 5 năm trở lại đây, số HS của tỉnh đạt giải tăng dần. Chỉ tính trong 3 năm qua, Bình Dương luôn duy trì số lượng HS đạt giải theo mục tiêu phấn đấu, trong đó, năm 2019 đạt 29 giải, năm 2020 có 34 giải và năm 2021 đạt 32 giải. Không chỉ tăng về số lượng giải, chất lượng đạt giải của HS tỉnh nhà cũng tăng. Có năm, có môn thi HS tỉnh nhà đạt giải nhất, cũng như đạt nhiều giải nhì ở một số môn thi.

Không chỉ lập thành tích ở kỳ thi HS giỏi quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây Bình Dương cũng tạo dấu ấn khá ấn tượng. Trong năm học 2019-2020, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, nhưng tỉnh đã đạt kết quả cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 khi xếp hạng 2/62 tỉnh, thành phốtrên cả nước.

Từ bước tiến vững chắc của GD-ĐT Bình Dương trong thời gian qua, cho thấy tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư đúng đắn và đúng mức cho lĩnh vực GD-ĐT. Kết quả đạt được của lĩnh vực này đã tạo ra nền tảng cơ bản về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu các chiến lược phát triển của Bình Dương trong thời gian tới. (Còn tiếp)

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Nhiều năm học qua, ngành GD-ĐT đã được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học để bảo đảm đủ chỗ học cho HS các cấp và nâng cao chất lượng giáo dục; củng cố và phát triển thành quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng học 3 ca làm giảm sút chất lượng giáo dục các trường. Mặt khác, hàng năm ngành GD-ĐT đã thực hiện tốt công tác mua sắm trang thiết bị giáo dục, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu dạy học. Đặc biệt, Sở GD-ĐT đã triển khai kế hoạch đầu tư trang bị thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại giúp các trường thực hiện hiệu quả hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức tốt hình thức dạy học trực tuyến..., góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hóa hình thức dạy học.

Bà Nguyễn Hồng Sáng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT: Trong suốt thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh nhà luôn xác định Bình Dương là một trong những địa phương phát triển kinh tế - xã hội hàng đầu của cả nước, vì vậy nhiệm vgiáo dục của địa phương không những phải bắt kịp mà còn phải đi trước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao hơn. Từ những lý do đó, giáo dục phải được đầu tư để giải quyết những khó khăn, tồn tại, hướng đến đào tạo người học thành công dân toàn cầu.

 HỒNG THÁI  

Chia sẻ