| 20-06-2024 | 05:33:08

Bình Dương là điểm sáng trong công tác cải cách hành chính

Trong 2 tuần qua, một số đoàn công tác của các tỉnh, thành phố và Trung ương đã đến Bình Dương tìm hiểu, nghiên cứu thực tế và học hỏi kinh nghiệm trong công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số (CĐS). Qua tìm hiểu, các đoàn công tác đã đánh giá Bình Dương là điểm sáng của cả nước trong công tác CCHC gắn với CĐS.

 Các học viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh tìm hiểu cách làm hay của Bình Dương tại Trung tâm Hành chính công tỉnh

 Nhiều điểm mới

Theo ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) cấp huyện được tổ chức thí điểm thực hiện từ năm 2017 là TTPVHCC TP.Thủ Dầu Một. Đến cuối tháng 6-2022, 100% đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã ban hành quyết định thành lập TTPVHCC cấp huyện, đây là kết quả của quá trình triển khai thí điểm và đánh giá hiệu quả mô hình từ TTPVHCC TP.Thủ Dầu Một. So với bộ phận “một cửa” cấp huyện trước đây, sự ra đời của TTPVHCC cấp huyện giúp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được chủ động, chuyên trách hơn, tham mưu chặt chẽ hơn về công tác triển khai, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp, sáng kiến cải cách TTHC.

Mô hình này đã thống nhất về việc tư vấn, hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, đánh giá, giải quyết và đôn đốc giải quyết TTHC; cung cấp thông tin, dịch vụ về TTHC trên địa bàn cấp huyện và hướng dẫn, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, kiểm soát TTHC của UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 28/2023/ NQ-HĐND ngày 8-12-2023 quy định mức hỗ trợ đối với người làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương với mức hỗ trợ hàng tháng là 2.000.000 đồng/người/ tháng, mức hỗ trợ đồng phục là 5.000.000 đồng/người/năm.

Bình Dương cũng đã triển khai đội hình, tình nguyện viên (TNV) hỗ trợ người dân ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đội ngũ TNV thực hiện hướng dẫn dịch vụ công (DVC) trực tuyến cho cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, TTPVHCC cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC cấp xã. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với TNV hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) thực hiện TTHC là 160.000 đồng/người/ ngày. Bình Dương còn triển khai và vận hành chính thức Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Theo đó, việc thành lập và đưa vào hoạt động IOC có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị (hơn 1.000 chỉ số trên 25 lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh phục vụ đắc lực trong quá trình giám sát, điều hành công việc về mọi mặt hoạt động KT-XH của lãnh đạo tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN và hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước…

Những bài học kinh nghiệm

Trong buổi làm việc với tỉnh Bình Dương mới đây, TS.Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh đã đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo CCHC, CĐS thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06), xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Điều này đã bảo đảm việc theo dõi, chỉ đạo được thống nhất, toàn diện, giảm thời gian họp của từng chuyên đề giúp giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc chung được nhanh chóng, tập trung và xử lý dứt điểm. Từ đó, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ CCHC, CĐS thực hiện Đề án 06, nhất là cải thiện kết quả đánh giá Bộ Chỉ số 766 của tỉnh nhằm mục tiêu cuối cùng trong công tác CCHC, CĐS là để phục vụ tốt người dân, DN.

TS.Trương Cộng Hòa nhấn mạnh, thời gian qua, Bình Dương đã vươn lên là một trong các tỉnh, thành tiên phong của cả nước trong công tác CCHC, CĐS thực hiện Đề án 06. Những bài học kinh nghiệm của Bình Dương sẽ giúp cho nhiều học viên của Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh là các cán bộ chủ chốt đầu ngành của nhiều tỉnh, thành trong khu vực nghiên cứu, học tập và áp dụng trong thực tiễn, nhất là những bài học kinh nghiệm trong thực hiện Bộ chỉ số 766.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khi đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm với Bình Dương, cho biết việc học hỏi nhiều kinh nghiệm, mô hình hay cũng như các giải pháp để nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh Bình Dương sẽ giúp cho tỉnh Hòa Bình có giải pháp tốt trong việc nâng cao Chỉ số CCHC, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN, thu hút đầu tư. Ông đánh giá cao sự quyết tâm, của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương trong việc CCHC gắn với CĐS, nhất là các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ đề ra và chỉ tiêu nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và DN trong tỉnh để trở thành một địa phương hấp dẫn, năng động và phục vụ tốt cho cả cộng đồng DN và người dân.

 Về tổ chức, Trung tâm Hành chính công tỉnh, TTPVHCC cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, Bình Dương là 1 trong 4 tỉnh, thành được Chính phủ chọn thí điểm mô hình mẫu bộ phận “một cửa”. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện nội dung hướng dẫn việc thực hiện, trên cơ sở đó, tỉnh triển khai theo các yêu cầu của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương về mô hình mẫu bộ phận “một cửa” trong giải quyết TTHC...

 HỒ VĂN - KHẮC TUẤN

Chia sẻ