Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Đó là nhận định của đoàn công tác do Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, làm trưởng đoàn trong buổi làm việc tại tỉnh Bình Dương vào sáng 29-7. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại cuộc họp
Điển hình của cả nước về chăm sóc F0 không triệu chứng
Báo cáo với đoàn công tác, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết ngày 28-7 Bình Dương ghi nhận 631 ca mắc mới, tăng 465 ca so với ngày 27-7. Dự báo, trong 2 tuần tới sẽ phát hiện thêm ca mắc mới, lên đến khoảng 20.000 ca.
Trong thời gian tới, các huyện, thị, thành phố chủ động điều trị, cách ly các trường hợp F0, F1 trong phạm vi địa phương, trưng dụng tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh làm khu điều trị, cách ly tại địa phương. Tỉnh đang khẩn trương thực hiện ngay các gói mua sắm bổ sung các vật tư, thiết bị, test, sinh phẩm… bảo đảm đủ yêu cầu ứng phó khẩn cấp để ngăn chặn dịch bùng phát, đầu tư thêm 60 máy thở, mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ oxy SP02… phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ lực lượng điều trị, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với 20.000 giường. Cụ thể, cần phải bổ sung thêm 1.486 bác sĩ (trong đó gồm 300 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 1.186 bác sĩ đa khoa, nhi khoa) và 4.014 điều dưỡng, kỹ thuật viên (gồm 600 điều dưỡng hồi sức cấp cứu, 3.414 điều dưỡng, kỹ thuật viên).
Tại cuộc họp, đề cập đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng hiện Bình Dương có khoảng 80% ca F0 không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ. Qua khảo sát thực tế, tỉnh hiện đang thực hiện rất tốt công tác chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ ở tầng 1 (Bệnh viện dã chiến Becamex). Chưa có tỉnh nào làm tốt công tác chăm sóc F0 như ở Bình Dương và đoàn sẽ báo cáo Bộ Y tế, Chính phủ đây là mô hình điển hình cho cả nước thực hiện.
Tuy nhiên, tỉnh cần nâng cấp tầng 2, tầng 3 của Bệnh viện dã chiến Becamex. Tầng 2 cần trang bị thêm phương tiện để theo dõi bệnh nhân, mỗi phòng bệnh cần có 1 máy đo huyết áp tự động giúp bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe, trang bị monitor, hiện nay rất thiếu monitor, máy thở không xâm nhập. Mỗi bệnh viện nên có ít nhất 2 đến 5 cái HSNO. Đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên cần được tập huấn, để khi nào thì đưa lên tầng 3 và ngược lại khi nào hạ xuống tầng 1.
Tầm quan trọng của tầng 2 là xác định, phân loại không được đưa bệnh nhân lên tầng 3 sớm quá. Lúc này phải thực sự đào tạo bác sĩ chứ không còn đào tạo điều dưỡng nữa. Bác sĩ phải có kiến thức phối hợp chặt chẽ với tầng 3, tầng 1 nên cần nâng cao trình độ, nhất là những trưởng khoa. Tầng 3 là khu vực trung tâm cấp cứu, hồi sức (ICU) hạn chế tối đa tử vong, giữ nguyên tắc không cho bệnh nhân ra viện tầng 3, phải xuống tầng 2 rồi tầng 1 rồi mới cho ra viện vì nếu không tuân thủ sẽ rất nguy hiểm.
Hiện Bình Dương rất thuận lợi là có tòa nhà 6 tầng, mỗi tầng 12 phòng oxy, khí nén, đủ tiêu chuẩn làm trung tâm ICU. Trước mắt, tỉnh trang bị 80 phòng này để thành lập đơn vị ICU. “Hiện nay chúng tôi đang có 10 bác sĩ, chuyên gia, 5 điều dưỡng đã tốt nghiệp chuyên nghành điều dưỡng được cử vào để hỗ trợ hồi sức cấp cứu cho tỉnh”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Đồng ý với ý kiến của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu trong rà soát các tầng điều trị, Tiến sĩ Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế - Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bình Dương, đề xuất: Tỉnh cần thành lập Trung tâm điều phối nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19. 4 thành phố, thị xã đang là vùng đỏ cần thành lập Trung tâm thở ô xy và tiếp tục làm xét nghiệm.
Về thực hiện giãn cách, tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16, tuy nhiên một số nơi trong khu vực phong tỏa còn chưa thực hiện tốt qua khảo sát phản ánh nhóm Facebook với 1 triệu người tham gia.
Bộ phận thường trực của Bộ Y tế cũng kiến nghị TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai tiêm vắc xin cho đội ngũ tài xế, lái xe vận chuyển hàng hóa.
Bình Dương là trung tâm cấp cứu, hồi sức khu vực miền Đông Nam bộ
Tại cuộc họp, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Lợi cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia để công tác phòng chống dịch trên địa bàn thực hiện tốt hơn nữa.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đơn vị, địa phương nào thực hiện không nghiêm Chỉ thị 16 sẽ đình chỉ chức vụ Bí thư cấp ủy ở đơn vị, địa phương đó. Việc này cần phải làm ngay và làm nghiêm bởi có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Về công tác huy động lực lượng điều phối lấy mẫu xét nghiệm, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo huy động 20.000 người trong ngành giáo dục va Đoàn Thanh niên để lấy mẫu, làm những công việc giúp ngành y tế để ngành y tế rút nhân viên ra đảm trách các hoạt động chuyên môn. Do đó, các đơn vị cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm, kiểm tra lại công tác triển khai và báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy.
Xét nghiệm sàng lọc cộng đồng
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu công tác tiêm vắc xin cần rút ngắn lại phân nửa thời gian, nên thực hiện trong vòng 7 ngày thay vì 15 ngày và phải phối hợp với các địa phương chích ngừa. Bên cạnh đó, việc trang bị các trang thiết bị cho 3 tầng điều trị Covid cần phải thực hiện quyết liệt. Hiện tỉnh đã thành lập Trung tâm điều phối nhân lực do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, điều hành nên các hoạt động điều phối sắp tới sẽ khoa học, nhanh chóng hơn. Tỉnh sẽ tính toán và nghiên cứu thành lập Trung tâm thở oxy cộng đồng.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Sở Y tế phải đẩy mạnh công tác huy động các lực lượng y, bác sĩ ngoài công lập, đội ngũ y, bác sĩ về hưu tham gia công tác điều trị. Đề nghị ngành y tế tiếp thu ngay các góp ý của đoàn công tác để triển khai ngay. Mục tiêu của chúng ta là làm sao dịch không lây lan, giảm ca F0 và chuẩn bị thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất trong giai đoạn trước mắt là phải giảm được tỉ lệ tử vong, giảm số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Thuấn cho biết: Hiện mục tiêu của Bình Dương cần phải giữ chắc những “vùng xanh”, những “vùng đỏ” thì làm cho bớt đỏ và “vùng vàng” thì làm cho xanh lên. Công tác điều trị cần phân tầng đúng, chuyển đúng để giảm tải ca chuyển nặng và giảm tải tuyến trên. Thời gian qua, tỉnh đã làm tốt công tác chăm sóc những ca F0 nhẹ, không triệu chứng ở tầng 1 và cần phát huy thế mạnh này. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề nghị tỉnh nhanh chóng hoàn thiện trang thiết bị, máy móc xét nghiệm, đặc biệt tiếp tục hoàn thiện đơn vị ICU hiện có với 200 giường. Đề nghị tỉnh cùng với Bộ Y tế thống nhất chọn điểm phù hợp để tổ chức, xây dựng Trung tâm ICU cho tỉnh và cho toàn khu vực miền Đông Nam bộ. |
Kim Hà