Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bình Dương trong tôi là cánh đồng no gió ru ngủ mục đồng say giấc trong mùi rơm rạ để đàn bò lục tục kéo về quên buổi chiều lan tỏa trong đêm. Ngày ấy mục đồng chăn trâu, chăn bò mang theo chiếc radio để nghe cải lương, nghe Minh Vương, Lệ Thủy… hát ca mùi mẫn đến nỗi tuồng tích thuộc làu mà nhại lại không sai một câu, lớp lang bài bản rành rọt như anh kép hát. Khi cơm chiều vừa xong, cả bọn kéo nhau đi ra đình làng xem hát cải lương, mà có xem được đâu, chỉ ngồi ngoài nghe ké rồi tưởng tượng, đợi đến thả giàn thì ào ạt nhào vô. Đến khi vãn tuồng, cả đám nấn ná cánh gà xem nghệ sĩ thay đổi xiêm y. Rồi gánh hát dời đi, kiểu gì cũng có một cô bỏ nhà đi theo gánh hát vì mê anh kép đẹp, vài tháng sau mới chịu quay về.
Bình Dương trong tôi là tuổi thơ nghèo khó nhưng đầy ắp tiếng cười. Tiếng cười át luôn cả tiếng lanh canh vét gạo mỗi chiều nghe xa xôi nhức nhối. Nhớ nụ cười hồn nhiên của thằng cu Đen khi chơi tạt lon thì bà hàng xóm chạy ra để xin nước tiểu rồi đem về pha nghệ làm thuốc tẩm bổ cho đứa con dâu đang ở cữ nơi chái bếp sau nhà. Khi cu Đen đào thải nguyên liệu, trẻ nhỏ trong xóm bu quanh. Lớn lên chút nữa, cu Đen nhớ cảnh sản xuất nước tiểu mà mắc cỡ sượng trân. Sau này kinh nghiệm, cứ thấy bà nào cầm tô đi ra là trẻ con chạy xa mất dép. Vào những đêm trăng sáng, trên chiếc đệm vuông sân trước nhà, ba ôm cây đàn phím lõm dạo vài ngón đờn thì cả xóm lục tục kéo sang, chia nhau hát mấy bài bản Tổ. Đêm nào truyền hình phát “Lá sầu riêng” thì mọi người rủ rê tụ tập ngồi trước màn hình trắng đen vừa xem vừa khóc, khóc đến rạc người, khóc đến ngại ngùng xấu hổ.
Bình Dương trong tôi là cửa ngõ ra vào Sài Gòn trong những năm kháng chiến. Nơi có hơn hai ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng chờ chồng, chờ con quay về sau ngày giải phóng. Mà có ai về đâu, khi hy vọng ngày con trở lại tắt dần thì chỉ mong tìm được nấm mồ con để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Có những mẹ ám ảnh cả đời vì giặc bắn con mình phơi xác đầu chợ mà không dám nhìn, đau đớn mà không dám khóc. Có cha đau đáu chôn vội đứa con khi giặc đi càn sau đó quay lại thấy quạ rỉa, chim ăn. Có cô du kích bị giặc hãm hại đến chết ở phía bìa rừng vừa hẹn người yêu chờ ngày chiến thắng... Tất cả nỗi đau hun đúc người dân chân lấm tay bùn đi theo cách mạng rồi trở thành anh hùng, địa linh tạo nên nhân kiệt vùng chiến khu Đ, vùng Tam giác sắt với những chiến thắng hào hùng mở đường tiến vào Sài Gòn thống nhất đất nước.
Bình Dương trong tôi là những ngày nhẩn nha ở Lái Thiêu ngay giữa mùa cây trái, những ngày lang bạt ở làng sơn mài xem nghệ nhân mài giũa rất kỳ công. Thời thịnh vượng, nhà nào cũng làm sơn mài, đi đâu cũng thấy sơn mài, sơn mài trên bình trên tranh đủ kiểu như nuông chiều du khách thập phương. Sau đó ngành nghề mai một, trở lại chốn cũ nhưng làng sơn mài không biết tìm đâu! Thuở nhỏ, tôi thường theo má đi khắp lò chén ở vùng Tân Khánh - Tân Uyên, lúc này không phải lang bạt nhẩn nha mà mưu sinh kiểm sống. Đến các lò chén, tôi lượm chén mẻ, chén tì đã bị vứt ra đem về phân loại, cái tốt bán chợ, cái tệ bán cho chủ vườn cao su hứng mủ. Hôm nào gặp bà chủ hiền, họ cho má tôi thêm vài chục chén. Họ nói giọng lờ lợ khó nghe vì đa phần gốc Hoa. Nghề gốm sứ Bình Dương do họ gầy dựng để sau này gốm sứ của họ hiện diện khắp năm châu.
Bình Dương trong tôi được trả lại tên từ ngày chia tách tỉnh. Bình Dương bắt đầu trổ mã như một cô đào lộng lẫy sang trọng đã đi vào giai thoại người đẹp Bình Dương. Từ đó Bình Dương phát triển công nghiệp, nhà xưởng mọc lên ngút ngàn, người dân tứ xứ từ đâu kéo về lập nghiệp. Vào những ngày giáp tết, người ta lũ lượt về quê trốn khỏi Bình Dương, bỏ Bình Dương buồn tênh trống rỗng. Những ngày sau tết, họ quay lại Bình Dương sinh sống, như người tình hả hê vừa đi vụng trộm trở về. Vậy mà Bình Dương không hờn, không dỗi vì nghĩ mình bạc phận đa đoan, đi thì đau mà quay về lại cưu mang tha thứ. Để rồi người đến một lần cũng trở nên quyến luyến Bình Dương, người ngụ cư trở thành cư ngụ. Họ chọn Bình Dương là quê hương thứ hai, chọn nơi đây để ký thác đi về.
Bình Dương trong tôi là những con người phóng khoáng, hào sảng và nhân từ. Chị Ba, chị Bảy nói cười rổn rảng nhưng ruột để ngoài da, người nghe không phải rào trước đoán sau trong đa tầng ngữ nghĩa. Anh Tư, anh Tám nhà rất đông con, nhưng cả thảy đều là con nuôi, đều là mồ côi và éo le gia cảnh. Nếu lỡ đi chợ mà quên mang tiền thì bà bán rau cho thiếu, sau này quay lại tìm bà mà chẳng thấy đâu. Hôm nọ tại phòng cấp cứu, người ta thấy có một người già suốt đêm lăng xăng lo lắng cho một người trẻ đang nhập viện vì tai nạn giao thông, cứ nghĩ là hai cha con nhưng hóa ra là người đi đường gặp nạn. Thỉnh thoảng báo chí đưa tin vài vụ án mạng bên trong nhà trọ, vụ giết người chặt khúc, giết người rồi đổ bê tông… Nghe vậy người Bình Dương chính hiệu buồn buồn, nỗi buồn man mác oan khiên bởi những điều này, họ chưa bao giờ dám nghĩ.
Bình Dương trong tôi là những lần về nhà khi chùn chân mỏi gối, về sau khi va đập, về trong thất bại khó khăn hay những khi chai sạn tâm hồn. Nên dù tôi có đi đâu, đến chân trời góc biển hay miền biên viễn xa xôi nào đó thì Bình Dương luôn ở trong tôi - một Bình Dương đáng yêu và đáng nhớ!
LƯU THÀNH TỰU