| 28-09-2021 | 16:34:12

Bộ Y tế: Cả nước hiện có khoảng 90 loại test nhanh COVID-19

Thực hiện test nhanh các mẫu bệnh phẩm để phát hiện COVID-19. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Gần đây, nhiều thông tin đưa ra cho rằng giá bộ test xét nghiệm nhanh COVID-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 35.000 đồng/test. Còn tại Việt Nam, giá đa dạng, cao hơn nhiều so với nước ngoài và thời gian gần đây giá test nhanh COVID-19 giảm giá 20.000-70.000 đồng/test…

Xung quanh những vấn đề trên, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết giá các xét nghiệm này do doanh nghiệp tự công bố.

Bộ Y tế không kiểm soát giá bộ kit test nhanh

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương vào ngày 26/9, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết trong công tác phòng chống dịch, ngoài công sức còn tốn kém rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xét nghiệm nhanh.

Vì vậy, ông Hồng Anh đề xuất, cũng giống như vaccine, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc.

Theo ông Hồng Anh, giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ông Hồng Anh, hiện nay các các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000-70.000 đồng/bộ thì dẫn đến rất lãng phí tiền của và đề nghị Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc này.

Về các loại test nhanh COVID-19, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết cả nước có khoảng 90 loại test nhanh COVID-19 đang được lưu hành, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết trước hết cần phân biệt giá xét nghiệm (giá bộ test nhanh) và giá dịch vụ xét nghiệm.

Hiện Bộ Y tế có quy định rõ về giá dịch vụ xét nghiệm, còn giá xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định.

Theo lãnh đạo Vụ Trang thiết bị-Công trình y tế, hiện nay, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các xét nghiệm nhanh COVID-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.

Để giúp các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế. Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam, đơn vị tự chịu trách nhiệm về điều này. Khi mua sắm các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng.

Tăng cường kiểm tra

Theo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, hiện giá các xét nghiệm nhanh dao động 80.000-130.000 đồng, đã giảm so với thời điểm cuối tháng 8 do một số doanh nghiệp điều chỉnh giá.

Trước 20/8, giá test nhanh dao động từ khoảng 100.000-198.000 đồng/test. Tuy nhiên, theo cập nhật đến ngày 25/9, một số doanh nghiệp có điều chỉnh giá, trong đó, mức giảm khoảng 20.000-70.000 đồng/test.

Test nhanh COVID-19 là phương pháp xét nghiệm giúp kiểm tra, đánh giá và sàng lọc một cách nhanh chóng các ca nghi ngờ nhiễm bệnh trong cộng đồng. Test nhanh sẽ tiến hành định tính kháng thể trong các mẫu bệnh phẩm để đưa ra kết quả xét nghiệm.

Sau test nhanh, các quy trình xét nghiệm khẳng định, cách ly y tế và điều trị bệnh lý sẽ được thực hiện nếu như cần thiết. Hiện nay, các xét nghiệm test nhanh được thực hiện với mẫu bệnh phẩm dịch tỵ hầu, dịch họng và máu.

Ngày 23/9, Bộ Y tế cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó có yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định COVID-19, việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Các địa phương cũng cần thanh kiểm tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ