| 28-06-2013 | 00:00:00

Bức tử suối Cầu

Bài 2: “Cha chung không ai khóc”!

> Bài 1: Người dân kêu cứu!

Ngược dòng suối Cầu từ địa phận khu phố Tân Mỹ (TT.Thái Hòa, Tân Uyên) đến đường ĐH- 401 (đường liên huyện), chúng tôi nhận thấy mặt nước ở đây là một “dòng suối thập cẩm”, nước đục ngầu, nổi lềnh bềnh trên mặt là bịch nylon, rác đủ loại, mặt nước thì đầy dầu, mỡ, có nơi nổi cả bọt và cả những con vật chết. Hiện trạng ngày càng xấu đi của dòng suối làdo có quá nhiều nguồn thải khác nhau chảy vào.

Một đoạn suối Cầu rác thải bị ứ đọng và nổi bọt

“Trăm dâu đổ đầu tằm”

Nước thải từ chợ Phú An gần đó cũng được đổ xuống cống rồi chảy về mương thoát nước dọc đường ĐH-401. Hàng trăm tiểu thương ở chợ bán buôn thực phẩm tươi sống cứ thế mà xả nước vào miệng cống. Một vài chủ sạp rau, cá còn thiếu ý thức đổ cả rác, nước rửa cá xuống đường làm bốc mùi tanh hôi khó chịu. Bên hông chợ là khu đất trống, điểm tập kết rác lý tưởng để những người bán hàng vô tư thải các phế phẩm bịch nylon, thức ăn thừa, rau quảôi thiu, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy địa bàn phường An Phú, TX.Thuận An và TX.Dĩ An cao độ thoát nước cao hơn thị trấn Thái Hòa. Mặt khác, phường An Phú đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nên phần lớn lượng nước thải của các cơ sở sản xuất, khu dân cư, khu nhà trọ theo cao độ thoát nước chảy về đường ĐH-401 sau đó chảy ra suối Cầu, gây ảnh hưởng đến khu vực nuôi trồng thủy sản và canh tác nông nghiệp của cư dân.

Qua khảo sát, các nguồn thải gây ô nhiễm suối Cầu gồm 3 đầu mối lớn: Tuyến thoát nước đường Miếu Nhỏ thuộc phường An Phú, TX.Thuận An tiếp nhận nước thải của 8 doanh nghiệp, bao gồm Công ty TNHH Nhựa Tín Mỹ, Công ty TNHH Hiệp Long, Công ty TNHH Phú Gia Thành, Công ty TNHH XNK may mặc Hồng Phát, Công ty TNHH SX-TM Nguyên Trang, Công ty TNHH SX-TM Phú An, Công ty TNHH Hân Nguyên Ký với lưu lượng hơn 100m3/ngày; nước thải khu vực chợ Phú An và nước thải của hàng ngàn nhà trọ, dân cư thuộc phường An Phú không qua xử lý thải trực tiếp ra cống thoát nước rồi thoát vào suối Cầu; nước thải phát sinh từ bãi trung chuyển rác sinh hoạt thuộc sự quản lý của Đội Công trình công cộng phường Tân Bình, TX.Dĩ An…

Theo quan sát của chúng tôi dọc theo con suối là hàng loạt các ống nhựa PVC (do các hộ dân tự lắp) dẫn nước thải sinh hoạt trực tiếp vào con suối. Bên cạnh đó, khoảng 20 hộ nuôi heo tại khu vực suối Cầu khẳng định đã đầu tư đầy đủ hệ thống biogas để tiếp nhận nước thải từ cơ sở chăn nuôi của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân phản ánh về việc nước thải của các trại heo này được lén lút thải ra dòng suối. Chưa ai xác minh được vấn đề này nhưng có thể thấy, hiện trạng ô nhiễm dòng suối là do rất nhiều nguồn khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Tâm cho rằng, hệ thống chứa nước thải của trạm trung chuyển rác phường Tân Bình, TX.Dĩ An đã được xây dựng hoàn chỉnh

Cần phối hợp để giải quyết

Mỗi lần tiếp xúc cửtri, người dân thường phản ánh những bức xúc xoay quanh vấn đềnày, chính quyền các cấp cũng cố gắng giải quyết nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) ở suối Cầu vẫn kéo dài trong nhiều năm liền. Liên quan đến các cơ sở xả nước thải vào suối Cầu, ông Phan Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Thuận An cho biết, trong năm 2012, phòng đã phối hợp cùng UBND phường An Phú tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đối với 6 cơ sở xả nước thải vào suối Cầu; trong đó có 1 cơ sở đã giải thể. Qua kiểm tra, thực tế 5 cơ sở có nước thải cho tự thấm, 4 cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải; trong đó có 2 cơ sở xả nước thải đạt quy chuẩn cho phép, 1 cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải (Công ty TNHH SX-TM Phú An), 2 cơ sở xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép là Công ty TNHH Phú Gia Thành, Công ty TNHH SX-TM-DV Thịnh Tấn. 3 công ty này đã bị lập biên bản xửphạt hành chính. Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định, qua kết quả hậu kiểm việc BVMT trong tháng 5-2013, Công ty TNHH Phú Gia Thành, Công ty TNHH SX-TM-DV Thịnh Tấn đã khắc phục hậu quả và nước thải ra đạt quy chuẩn cho phép. Còn Công ty TNHH SX-TM Phú An đã lập đề án BVMT chi tiết trình Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Để đánh giá chất lượng nguồn nước thải, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Uyên đã phối hợp cùng UBND TT.Thái Hòa lấy mẫu nước thải dọc đường ĐH-401 nơi tiếp giáp TX.Thuận An và TT.Thái Hòa để phân tích kiểm nghiệm. Theo kết quả phân tích nước thải do Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Bình Dương thực hiện ngày 5-10-2011 và so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp thì nước thải ở khu vực này có hàm lượng ô nhiễm vượt quy chuẩn quy định khi thải ra môi trường. Cụ thể, nước thải có nhu cầu oxy hóa học (COD) là 217, vượt quy chuẩn là 50mg/1, gấp 4,3 lần; nước thải có nhu cầu oxy hóa sau 5 ngày (BOD) là 98, vượt quy chuẩn là 30mg/1, gấp 3,3 lần; nước thải có hàm lượng ni-tơ tổng (Tổng N) là 48,4, vượt quy chuẩn là 15mg/1, gấp 3,2 lần.

Đem thắc mắc về hiện trạng ô nhiễm suối Cầu, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Văn Tâm, Đội trưởng Trạm Trung chuyển rác phường Tân Bình, TX.Dĩ An. Ông Tâm cho biết trạm rác ở đây là bãi tập kết rác của tất cả các nơi trên địa bàn TX.Dĩ An. Trạm cũng đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chứa nước thải, với hầm chứa nước thải dung tích 8m3/ ngày, cách nơi suối Cầu chảy qua khoảng 100m. Mỗi ngày, lượng nước thải này của trạm được hút và đưa về Công ty Xửlýnước thải Nam Bình Dương.

Đại diện UBND phường An Phú cho biết trong khi chờ dự án “Xử lý nước thải khu vực suối Cầu - nơi giáp ranh 3 huyện, thị(Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên) hoàn thành phục vụ, xửlýnước thải cho nhân dân, nhà trọ, công ty trên các địa bàn, UBND phường đã phối hợp với Ban điều hành khu phố 1B tuyên truyền các hộ dân, nhà trọ, công ty phải xử lý nước thải trước khi đấu nối xả thải ra suối Cầu. Các trường hợp đấu nối, xả nước thải phải xin phép UBND phường, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên - Môi trường khảo sát, xem xét chấp thuận theo đúng quy định. Đối với những trường hợp tự đấu nối không đúng quy định, UBND phường sẽ tiến hành xửlývi phạm theo quy định của pháp luật. Con sốthống kê của phường An Phú cho biết, chỉ tính trong tháng 5-2013, phường đã kiểm tra 19 cơ sở trọ thực hiện pháp luật BVMT trên địa bàn ấp 1B thì hầu hết nước thải của các cơ sở là nước thải sinh hoạt, xử lý theo bể tự hoại 3 ngăn và đấu nối ra hệ thống thoát nước đường An Phú 14 (Miếu Nhỏ).

Hiện trạng ô nhiễm của suối Cầu không phải là một trường hợp xa lạ, vì đâu đó chúng ta vẫn có thể thấy sự việc tương tự một khi ý thức BVMT của cộng đồng chưa cao. Lãnh đạo địa phương đã có những hành động kịp thời và sẽ có những hành động tiếp theo để khắc phục tình trạng ô nhiễm của dòng suối Cầu. Thế nhưng, nếu ý thức về BVMT vẫn còn thấp và tâm lý“cha chung không ai khóc” cứ hiển hiện thì sẽ còn nhiều con suối khác rơi vào tình trạng như suối Cầu?!

KIM HÀ

Chia sẻ