| 14-01-2016 | 11:23:49

Bưởi ngọt Bạch Đằng vào mùa

Tết Nguyên đán cổ truyền đang đến gần. Cả làng bưởi xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) rộn ràng bởi mùa bưởi cuối năm. Nhà nhà rủ nhau ra vườn chăm sóc bưởi, họ hỏi thăm nhau vềvườn bưởi năm nay lão nông nào đạt năng suất nhất làng và kỳ vọng vào những vườn bưởi được mùa, được giá.

 Anh Ngô Minh Hùng, ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng vui mừng bên vườn bưởi nặng trĩu quả. Ảnh: K.HÀ

Rộn ràng mùa bưởi tết

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm xứ bưởi Bạch Đằng đúng độ vào mùa. Dọc hai bên đường lànhững vườn bưởi xanh mướt, nặng trĩu quả. Thấp thoáng trong những khu vườn, người dân đang tỉ mỉ chăm sóc, nâng niu để có những trái bưởi to, đẹp, ngon hơn phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 này. Cả làng bưởi Bạch Đằng đang rộn ràng bởi mùa bưởi tết, nhà nhà rủ nhau ra vườn bưởi, họ hỏi thăm nhau vườn bưởi năm nay lão nông nào đạt năng suất nhất làng hay trái có bị sâu bệnh không, giá bưởi hiện nay là bao nhiêu và dự đoán giá bưởi vào những ngày sắp tết. 

Dạo một vòng trong cù lao, chúng tôi ghé thăm vườn bưởi của anh Ngô Minh Hùng, ấp Tân Trạch, người có hơn 15 năm trong nghề trồng bưởi. Có đi mới thấy hết công sức và thành quả lao động của người nông dân trồng bưởi. Trước mắt chúng tôi là một vườn bưởi rộng 8.200m2 với khoảng 250 gốc bưởi, cây nào cũng sum suê, nặng trĩu quả, có cây đến cả trăm quả, những quả bưởi to, nặng đến cả hơn 1kg. Để có bưởi cho kịp vụ tết, anh Hùng đã phải chuẩn bị rất kỹ từ mấy tháng trước. Ngoài công việc chăm sóc, tưới tiêu, bón phân, điều quan trọng là phải điều khiển làm sao để bưởi ra hoa chậm hơn vụ mùa khoảng 2 tháng (đúng vụ hoa bưởi ra bông vào khoảng tháng 4 âm lịch, nếu để bưởi ra hoa theo tự nhiên, bưởi sẽ có trái trước tết hai tháng).

Gần đến ngày thu hoạch, công việc chăm sóc lại càng trở nên vất vả hơn. Sáng nào anh Hùng cũng phải dậy sớm, ra vườn kiểm tra từng trái bưởi xem có bị sâu ăn, bị vàng trái hay không. Trái bưởi nào bị nắng chiếu vào thì phải cắt giấy chống nắng để bưởi không bị vàng trái. Mỗi cây bưởi là một cách chăm sóc khác nhau, cây nào có nhiều quả thì phải tưới nhiều nước một chút, thường xuyên kiểm tra và loại bỏ những trái bưởi xấu, khô để tránh làm ảnh hưởng đến những trái bưởi xung quanh. Anh Hùng cho biết: “Gần đến ngày thu hoạch, công việc chăm sóc bưởi càng tỉ mỉ, thận trọng hơn để có những trái bưởi đẹp, to, ngon phục vụ người dân trong dịp tết”.

Chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của quê hương, lão nông Nguyễn Văn Chính, ấp Tân Trạch trải lòng: “Trước những năm 1990, mảnh đất cù lao còn nghèo khó. Đất đai khô cằn, quanh năm chỉ trồng chuyên canh 1 vụ lúa mùa nên đời sống bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Điện, đường, trường, trạm còn lạc hậu, giao thông bị chia cắt, cô lập. Nơi tôi ngồi đây, ngày nào còn là rừng lau sậy um tùm, nhưng giờ là những vườn bưởi trĩu quả ngát hương. Con cháu chúng tôi có chỗ học hành đàng hoàng, nếu không có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên canh cây bưởi thì gia đình tôi không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh nghèo khó”. Ông Chính còn cho chúng tôi biết, năm nay vụ bưởi tết nhà ông đạt năng suất cao hơn những năm trước nhờ được cán bộ xã hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, chủ động phòng trừ, ứng phó kịp thời tình hình sâu bệnh.

Hứa hẹn mùa bưởi ngọt

Hiện nay xã Bạch Đằng có tới 357 ha diện tích đất dành cho trồng bưởi; trong đó có 310 ha đang cho thu hoạch. Ở đây, nhà nào cũng trồng bưởi, ít cũng có 5 - 10 cây, nhiều thì cả trăm cây bởi là cây trồng truyền thống của đất Bạch Đằng. 80% người dân ở đây trồng bưởi, trái bưởi đã nuôi sống gia đình họ hàng chục năm qua, họ thoát nghèo, giàu sang cũng nhờ bưởi. Đặc biệt, vụ mùa bưởi tết, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, giúp người nông dân có được cái tết no ấm, hạnh phúc. Mùa bưởi tết năm nay, vì điều khiển được hoa cho bưởi ra trúng vào dịp tết, vườn bưởi của anh Ngô Minh Hùng rất sai trái, ước khoảng hơn 10.000 trái. Anh tính nhẩm với chúng tôi: “Giá bưởi hiện nay bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, ngày tết giá bưởi còn cao hơn nữa. Năm nay ước thu nhập vụ bưởi tết của tôi được khoảng hơn 200 triệu đồng”.

Còn vườn trồng bưởi của anh Ngô Văn Dấm, ấp Điều Hòa, tuy không sai trái như của anh Ngô Minh Hùng, song cả gia đình anh ngày nào cũng lên vườn bưởi từ sáng sớm đến chiều tối để chăm sóc. Hiện anh có khoảng 6.000m2 với 300 gốc bưởi, có những gốc bưởi có tuổi thọ gần 20 năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bưởi tết năm trước, bưởi bị ghẻ nhiều, hiệu quả kinh tế không cao nên anh Dấm đã thu hoạch bưởi vào tháng 4, nên mùa bưởi tết năm nay cả vườn bưởi chỉ có khoảng 500 trái phục trong dịp tết. Anh Dấm vui vẻ cho biết: “Tuy chỉ có vài trăm trái phục vụ tết nhưng bù lại giá bưởi tết lại cao gấp hai, ba lần ngày thường, như vậy cũng đủ tiền ăn tết rồi. Năm nay, tôi sẽ đưa vợ, con lên Sài Gòn chơi tết, mừng một năm làm ăn bội thu”.

Được biết thời gian qua, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn phát triển vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương. Nhiều dự án phát triển nông nghiệp được hỗ trợ. Đơn cử như dự án trồng mới, chăm sóc bưởi đường lá cam, bưởi ổi theo Quyết định số 45 của UBND tỉnh với 254 hộ tham gia dự án; đăng ký trồng mới cây bưởi năm 2015 được 11,5 ha/62 hộ… Ngoài ra, các dự án, mô hình tổ chức sản xuất, đầu tư trồng bưởi trên địa bàn được người dân tham gia tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tổ hợp tác bưởi đã cung cấp sản phẩm bưởi cho Siêu thị Co.opmart Bình Dương 3 tấn bưởi; cung cấp 1.200 cây giống cho các hộ tham gia dự án trồng bưởi đường lá cam, bưởi ổi.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Ngọc Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng cho biết: “Đời sống của người dân trồng bưởi ở đây tương đối khá bởi cây bưởi đang có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường, đặc biệt là trong dịp tết đến. Mùa bưởi tết năm nay, không nhiều thì ít, nhà nào cũng có bưởi bán tết, đó là điều rất mừng. Nhờ bưởi, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có cuộc sống sung túc. Thời gian qua, xã đã tập trung khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát huy nội lực, đầu tư sức người, vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây bưởi được xác định là cây truyền thống đặc sản của địa phương”. Theo bà Hòa, đây cũng chính là điều kiện để Bạch Đằng phát triển du lịch sinh thái, đồng thời giúp xã giữ vững 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được trong năm 2013. Hiện nay, nhiều vườn bưởi ở xã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư sản xuất như trồng bưởi theo công nghệ VietGAP, vườn bưởi công nghệ cao... Từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nông dân Bạch Đằng không còn phải loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, số ượng bưởi Bạch Đằng cung cấp ra thị trường vẫn còn khiêm tốn nên xã đang tiếp tục các mô hình trình diễn, cải tạo và thâm canh vườn bưởi theo hướng sạch để hương bưởi Bạch Đằng bay xa hơn.

 Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Bạch Đằng đạt 35 triệu đồng/người/năm. Theo tổ hợp tác bưởi khảo sát, đánh giá thu nhập từ bưởi đạt 435 triệu đồng/ha. Cuối năm 2015, số hộ nghèo trên địa bàn xã còn 6 hộ, chiếm tỷ lệ 0,4% và cận nghèo là 18 hộ. Xã được công nhận là xã lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy. Hàng năm, Đảng ủy, chính quyền đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; Mặt trận và các đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Đặc biệt, trong năm 2015, Đảng bộ, chính quyền vànhân dân xã Bạch Đằng vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

 
KIM HÀ

Chia sẻ