Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, cả nước có hơn 2% HS rớt tốt nghiệp, riêng trên địa bàn tỉnh có 45 HS thi trượt. Kỳ thi ĐH đang đến gần, số thí sinh thi trượt sẽ cao hơn gấp bội, bởi cánh cửa ĐH
thường chỉ dành cho những HS có học lực từ khá giỏi đến giỏi. Tâm lý chung của HS thi trượt là bị hụt hẫng, hoang mang. Thậm chí có em do quá buồn và bị nhiều sức ép từ gia đình đã có những ý nghĩ, hành động dại dột như tự tử, đi bụi… Vì vậy các em rất cần sự chia sẻ, động viên từ những người thân để các em lấy lại thăng bằng đi tiếp con đường học tập phù hợp với sức học của mình.
Có một nghịch lý đó là, cha mẹ thường quyết định con đường học tập cho con em. Với những em có sức học trung bình yếu, ngay khi các em tốt nghiệp THCS, lẽ ra nên chọn học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), học nghề, thì cha mẹ ép buộc các em học tiếp phổ thông. Do bị mất căn bản từ các lớp dưới, các em không theo kịp chương trình và bị đuối sức dần. Hậu quả là các em không thể tốt nghiệp THPT. Như vậy các em đã hoang phí 3 năm học phổ thông, thay vì đi theo con đường học nghề.
Vào ĐH là ước mơ chính đáng của hầu hết HS, ngay cả những em có học lực trung bình khá cũng mơ bước chân vào cổng trường ĐH. Tuy nhiên, dân gian có câu tự lượng sức mình. Nếu nhiều cố gắng nhưng không có khả năng thi đậu ĐH thì đừng nên tham vọng. Theo lời khuyên của các chuyên gia, vào ĐH không phải là con đường duy nhất và có nhiều cách để các em thực hiện ước mơ học ĐH. Trường hợp các em thi trượt cũng không nên quá buồn, các em có thể chọn học cao đẳng hoặc TCCN, sau đó học liên thông lên ĐH. Còn với những em chưa tốt nghiệp THPT cũng có nhiều cơ hội cho các em vào đời. Các em đi theo con đường học TCCN, học nghề. Ở hệ này ngành nghề đào tạo cũng đa dạng, đáp ứng nhu cầu xã hội và không kén chọn thí sinh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 trường ĐH (các trường có đào tạo cao đẳng (CĐ), TCCN) 1 trường CĐ, 4 trường TCCN, chưa kể các trường nghề thuộc Sở LĐ- TB&XH. Hiện nay hầu hết các trường đều đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đổi mới giáo trình, phương pháp đào tạo và cam kết đạt chuẩn đầu ra. Học ở những hệ này, ngoài được đào tạo trình độ chuyên môn, các em còn được nhà trường trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp để dễ dàng thích ứng với công việc ngay sau khi ra trường. Thực tế đã chứng minh, nhiều em học ở hệ này đã có công việc ổn định sau khi ra trường. Tại ngày hội việc làm do các trường ĐH, CĐ, TCCN tổ chức, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ CĐ, TCCN lúc nào cũng cao hơn số có bằng ĐH. Có một thực tế là ở những công ty nước ngoài, khi tuyển dụng họ không quan tâm đến bằng cấp, mà chỉ căn cứ vào năng lực thực sự của người dự tuyển.
Từ những minh chứng trên cho thấy, với những em thi trượt tốt nghiệp và cả những em không đậu ĐH sắp tới cũng đừng quá buồn lòng, các em vẫn còn có nhiều con đường để vào đời. Lúc này đây các em rất cần sự chia sẻ, cảm thông, động viên tinh thần từ cha mẹ để các em đứng lên đi tiếp con đường học tập phù hợp với sức học, sở thích và điều kiện kinh tế gia đình.
DÂN THƯỜNG