Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngày 27-8, các tỉnh thành đồng loạt công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kết quả xếp hạng thi tốt nghiệp giữa các địa phương đã lộ diện những tỉnh, thành có chất lượng vượt trội. Riêng Bình Dương năm nay đã có sự bứt phá về chất lượng, xếp thứ 2 cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp, với 6,914 điểm. Nhân sự kiện này, phóng viên báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT).
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bình Dương xếp thứ 2 cả nước về điểm trung bình với 6,914 điểm. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) tự tin trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: HỒNG THÁI
- Thưa bà, trước tiên bà có thể chia sẻ về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh Bình Dương?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại hội đồng thi số 44 tỉnh Bình Dương có 11.416 thí sinh đăng ký dự thi tại 21 điểm thi. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức kỳ thi thành công, bảo đảm đúng quy chế và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Kết quả, có 99,48% học sinh tốt nghiệp tính chung ở cả 2 khối; trong đó khối THPT có 99,93% em tốt nghiệp, có 30/35 trường đỗ tốt nghiệp THPT 100%; khối bổ túc có 97,18% học viên tốt nghiệp.
Qua thống kê cho thấy, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bình Dương có nhiều môn được xếp hạng điểm trung bình môn ở tốp đầu (trong 62 tinh thành của cả nước - trừ Đà Nẵng: Môn Lịch sử và môn Địa lý xếp thứ 1; Môn Văn, môn GDCD và môn tiếng Anh xếp thứ 2; Môn Toán, môn Hóa và môn Sinh học xếp thứ 3; Môn Vật lý xếp thứ 11. Như vậy, Bình Dương xếp thứ 2 về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Bình Dương xem danh sách phòng thi
- Từ kết quả thi ở những năm gần đây cho thấy Bình Dương đã có bước tiến khá vững chắc về chất lượng giáo dục trung học phổ thông. Xin bà cho biết ngành đã thực hiện những biện pháp gì để đem lại kết quả tốt trong kỳ thi quan trọng này?
- Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã mời các giảng viên có kinh nghiệm của trường Đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh tập huấn cho tất cả các giáo viên đang giảng dạy lớp 12 của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về chuyên môn, cách thức ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm, giúp học sinh tiếp cận nội dung và hình thức thi của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, sở yêu cầu các trường bám sát đề thi minh họa của Bộ, tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, biên soạn đề thi phục vụ cho việc dạy và học ở các trường, tổ chức ôn tập và kiểm tra học sinh thường xuyên và định kỳ để các em quen dần với hình thức, nội dung, cấu trúc một đề thi tốt nghiệp THPT, cũng như giúp học sinh (HS) an tâm khi vào phòng thi để làm tốt bài thi của mình.
Đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Sở đã chỉ đạo các trường thực hiện nội dung ôn tập theo chương trình giáo dục THPT, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; chú ý các nội dung dạy học đã được điều chỉnh. Chúng tôi cũng lưu ý các nhà trường hướng dẫn giáo viên và HS tham khảo, làm quen với định dạng của đề thi tham khảo của Bộ đã công bố. Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng; tăng cường hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe của HS trong mùa thi.
- Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của ngành. Vậy ngành đã chỉ đạo các trường tổ chức giảng dạy, ôn tập cho HS lớp 12 như thế nào để các em có được nền tảng kiến thức vững chắc, tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thưa bà?
- Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp để ngăn chặn sự xâm nhập lây lan của dịch bệnh, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh trong trường học. Ngành nhắc nhở các nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, nhằm bảo đảm sức khỏe và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; theo dõi và quản lý tốt sức khỏe HS, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.
Trong giai đoạn “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, Sở đã chỉ đạo ban giám hiệu các trường hướng dẫn giáo viên tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau để bảo đảm quyền lợi và nhu cầu được tiếp tục học tập của HS, bảo đảm việc hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch. Theo đó, các trường triển khai dạy học trực tuyến qua Zoom, Google meeting, Google class… dạy học thông qua website của đơn vị; tự luyện và kiểm tra, đánh giá thường xuyên qua “Hệ thống trắc nghiệm Online” của Sở GD-ĐT; tạo Group Zalo, Messenger; sử dụng các chương trình truyền hình và hệ thống học liệu do Sở GD-ĐT giới thiệu.
Từ hướng dẫn của ngành, hầu hết các đơn vị, trường học đều đã triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy và học trực tuyến theo tinh thần chỉ đạo của Bộ và Sở GD-ĐT. Đa số giáo viên và HS tham gia nhiệt tình, tất cả các đơn vị đều có đủ điều kiện để dạy học trực tuyến bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Khi HS trở lại trường, giáo viên hệ thống lại kiến thức đã dạy trực tuyến cho HS, sau đó tiếp tục dạy chương trình mới, đồng thời tiếp tục thực hiện dạy đến đâu, ôn đến đó, giúp các em có được vốn kiến thức vững chắc, phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
- Tiếp tục giữ vững chất lượng trong năm học mới, công việc tiếp theo của ngành là gì, thưa bà?
- Sau kỳ thi này, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức cuộc họp với các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp để đánh giá rút kinh nghiệm, từng cấp học nên làm gì để có được chất lượng giáo dục bền vững.
- Xin cảm ơn bà.
ÁNH SÁNG (thực hiện)