Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bhagat Ram Talwar (bí danh Rahmat Khan hoặc Silver, điệp viên đã làm việc cho các cơ quan tình báo ở Italy, Đức, Nga, Anh và cả Nhật Bản) đã giúp thủ lĩnh phong trào độc lập Ấn Độ, Subhas Chandra Bose, đào tẩu khỏi Ấn Độ. Ông Bose khó mà ngờ được rằng Talwar đã phản bội mình khi trao ông cho người Anh. Đây là một trong những câu chuyện tình báo lạ thường chưa từng kể về thời Thế chiến II.
Nhiệm vụ mật ở Đại sứ quán Italy
Chiều ngày 22/2/1941, một quý ông dáng người nhỏ nhắn, mày râu nhẵn nhụi, không có gì đặc biệt, người mà được một quan chức Anh mô tả là “vẻ ngoài chán phèo”, bước xuống một con hẻm ở Kabul và gõ cửa hậu của đại sứ quán Italy. Afghanistan là nước trung lập, cuộc chiến diễn ra cách xa biên giới, và mặc dù đã bắt đầu từ 17 tháng trước, nhưng đây vẫn chưa hẳn là đại chiến thế giới. Đức Quốc xã (ĐQX) thống trị Âu Châu, chỉ có Anh là cầm cự được. Nhật Bản đã có một nền hòa bình chông gai với Mỹ, nơi mà 5 tuần trước đó, Franklin Roosevelt đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trong nhiệm kỳ thứ 3 của mình, đã dõng dạc hứa rằng “các bậc cha mẹ của nước Mỹ, con trai của quý vị sẽ không bị đẩy vào chiến tranh ở nước ngoài”.
Các nhân viên đại sứ quán người Afghanistan đang tập trung quanh lối vào để hút thuốc lá, họ có ít lý do hoài nghi rằng người đàn ông chắc chỉ là thường dân địa phương mà thôi. Cũng như nhiều người Afghanistan khác, người đàn ông đội mũ truyền thống Karakuli, mặc một chiếc áo sơ mi dài đến gối, và xỏ quần rộng thùng thình. Nhiệm vụ của người đàn ông là gặp được ngài Đại sứ Italy. Lính canh đã đưa vị khách vào trong một căn phòng có trần nhà cao, nơi ngài đại sứ đang ngồi sau một chiếc bàn lớn đóng khung quốc kỳ Italy và một bức tranh to đùng khắc họa chân dung nhà độc tài Benito Mussolini. Vị đại sứ (đang nói chuyện với một trong các nhân viên người Afghanistan của mình) tỏ vẻ khó chịu khi nhìn thấy người lạ. Đầu tiên, tâm trạng ông không mấy vui vẻ.
Bhagat Ram Talwar - bí danh Rahmat Khan hoặc Silver - người đã làm việc cho các cơ quan tình báo Italy, Đức, Nga, Anh và cả Nhật Bản.
Hai tuần sau, Hitler biệt phái Rommel đến Libya để giải cứu những người Ý, những người buộc phải chạy trốn khỏi bàn tay của Archibald Wavell (cựu toàn quyền Ấn Độ) dù có quân số đông gấp 5 lần quân Anh. Như hết thảy các nhà ngoại giao hải ngoại ở Kabul, vị Đại sứ Italy sợ những chuyến thăm không báo trước từ những người Afghanistan địa phương, không rõ họ là gián điệp của chính phủ hay của các đại sứ quán khác. Ông cũng hồi hộp không biết liệu người đàn ông lạ có phải là gián điệp hay không? Tâm trạng của ông càng thêm mơ hồ khi người lạ nói rằng mình được phái đi bởi Herr Thomas - một người Đức đang điều hành văn phòng hãng Siemens ở Kabul. “Chuyện gì vậy?”, vị đại sứ gầm lên. “Tôi không biết, thưa ngài. Tôi chỉ được yêu cầu tới gặp ngài”, người lạ trả lời với thái độ dứt khoát, không một nét sợ hãi.
Có điều gì đó trong giọng nói của người đàn ông khiến ngài đại sứ cho rằng không phải là kém cỏi. Giờ đây ông bắt đầu có cái nhìn quan tâm hơn với vẻ ngoài của người lạ mặt: lùn nhưng rắn chắc. Vị đại sứ nhấc điện thoại và gọi cho Herr Thomas. Trong vài phút họ nói bằng tiếng Đức, thứ tiếng mà ngài đại sứ có nửa dòng máu Đức, hiểu rất rõ. Dù không biết tiếng nhưng qua cách gật đầu của ngài đại sứ, người lạ hiểu rằng cuộc nói chuyện rất nghiêm túc. Vài phút sau đó, vị đại sứ đặt điện thoại xuống, lệnh cho các trợ lý và người hầu ra khỏi phòng, rồi họ đóng chặt cửa phòng. Khi đó ngài đại sứ nói bằng thứ tiếng Anh chậm rãi: “Tôi là Pietro Quaroni, đại sứ của Công sứ Italy ở Kabul”. Liền đó vị khách lạ nói với Quaroni rằng mình là Rahmat Khan và thành thật kể rằng mình không phải là dân Afghanistan mà là người Ấn Độ đã đến Kabul, hoặc đi bộ từ Peshawar đến Kabul với chặng hành trình gần 200 dặm.
Rahmat Khan giải thích rằng mình không đi một mình mà đóng vai trò hộ tống cho nhà cách mạng nổi tiếng người Ấn, Subhas Chandra Bose, người đã đào tẩu khỏi Ấn Độ và giờ đây muốn đến Berlin để cậy nhờ người Đức giúp giải phóng Ấn Độ thoát khỏi sự cai trị của người Anh. Rahmat Khan và Subhas Bose đã thiết lập liên hệ với đại sứ quán Đức ở Kabul từ vài tuần trước đó, đó là cách họ đã bắt liên lạc với Herr Thomas. Tuy nhiên sau vài cuộc gặp, vẫn chưa có sự chắc chắn nào nhằm đưa Subhas Bose ra khỏi Kabul. Cặp đôi lo rằng nếu lưu lâu ngày ở Kabul sẽ khiến chân tướng họ bị bại lộ và thêm nguy hiểm hơn. Họ vào Afghanistan bất hợp pháp, không có hộ chiếu hay bất kỳ giấy tờ nào, và “hối lộ” cảnh sát địa phương để tránh bị bắt giữ. Họ sợ rằng nếu bị cảnh sát Afghanistan bắt giữ thì ngay lập tức sẽ bị chuyển cho người Anh.
Cuộc gọi của Rahmat Khan cho Quaroni là lần ném xúc xắc cuối cùng để đảm chắc Subhas Bose có được giấy thông hành để vượt biên Afghanistan-Nga thông qua ngả Liên Xô mà từ đó có thể sang Đức. Trong khi người Đức có vẻ trì hoãn, Quaroni lại rất sẵn lòng. Sau vài cuộc gặp vào 3 tuần tiếp theo đó, Subhas Bose được trao hộ chiếu ngoại giao Italy, được hộ tống vượt biên Afghanistan và đáp tàu hỏa đến Moscow, từ đây Boss đi thẳng tới Berlin. Ở đó, Subhas Boss vạch ra mọi cách để giải phóng đất nước như gặp gỡ Hitler và cuối cùng sang Nhật để tạo dựng một đội quân chống lại người Anh. Không may, Boss qua đời trong một vụ rơi máy bay chỉ vài ngày sau khi Nhật Bản đầu hàng. Tại Ấn Độ, vẫn có số đông người không tin Boss mất vì tai nạn. Và theo nhiều cách, với người đàn ông rời Kabul, Rahmat Khan, đây là một câu chuyện thật sự phi thường mà không chắc đã được kể lại đầy đủ.
Làm gián điệp cho 5 quốc gia
Trong những ngày Subhas Bose khởi hành sang Châu Âu, hành trình hộ tống của Rahmat Khan đã biến ông trở thành điệp viên của Italy. Kể từ lúc bắt đầu chiến tranh, Pietro Quaroni đã cố gắng tìm cách chống Anh ở Ấn Độ. Sau khi chăm chỉ theo dõi những sự kiện ở Italy, Quaroni tin rằng Ấn Độ là một mắt xích yếu của Anh, và một đòn giáng vào vương miện Anh sẽ có tác động to lớn. Vì vậy khi Subhas Bose đề cử Rahmat Khan làm việc với người Italy, Pietro Quaroni bèn chớp lấy thời cơ. Khi Adolf Hitler phát động chiến dịch Barbarossa, xâm lược Liên Xô, Rahmat Khan đã làm việc với người Nga để tiếp tục đánh lừa ĐQX. Sau này, Rahmat còn làm việc cho người Anh với bí danh Silver (Bạc).
Người Đức đánh giá cao Rahmat đến độ tặng cho ông huân chương Chữ thập sắt - Huân chương quân sự cao quý nhất của Đức - vì đã phụng sự cho nền Đệ Tam; cũng như trao cho ông một chiếc máy phát mà nhờ nó, Rahmat đã phát sóng trực tiếp tới “sào huyệt” Abwehr - cơ quan mật vụ của Hitler ở Berlin. Rahmat cũng “thó” của phe Trục số tiền tương đương 2,5 triệu bảng Anh. Người Đức chưa từng sinh nghi những buổi phát sóng là thông tin quân sự hư cấu do người Anh tạo dựng nên ngay trong khu vườn của Cung điện Viceregal ở Delhi. Trước khi Thế chiến II chấm dứt, Rahmat thậm chí còn lừa cả người Nhật, khiến ông trở thành “điệp viên ngữ ngũ” - người hoạt động tình báo ở cả 5 nước, kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành tình báo thế giới.
Pietro Quaroni, Đại sứ Italy tại Kabul, Afghanistan.
Người có bí danh Silver
Richard Sorge đã chứng minh ông là điệp viên Liên Xô vĩ đại nhất khi cung cấp cho họ nhiều thông tin tình báo quý giá bao gồm cả việc Hitler sắp xâm lược Nga mặc dù Stalin từ chối tin lời Sorge là thực. Hoặc Elyesa Banza (bí danh Cicero) người hầu của đại sứ Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh bản thân là một trong những điệp viên thành công nhất của Hitler. Cicero cung cấp cho người Đức nhiều chi tiết chính sách của Anh và Đồng Minh cả trên mặt trận ngoại giao và quân sự. Điều làm cho Silver trở nên khác hoàn toàn so với các điệp viên thời Thế chiến II và biến anh ta trở nên rất đặc biệt đó là mặt trận độc đáo mà anh ta đã hoạt động trong suốt chiều dài cuộc chiến. Không giống như Garbo, Sorge và Cicero (về cơ bản họ hoạt động cùng một căn cứ: Garbo ở London, Sorge ở Tokyo, Cicero ở Istanbul) Silver đã qua lại không ngừng giữa Kabul và Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa ông phải không ngừng trốn tránh lính biên phòng Anh và Afghanistan cũng như qua lại các lãnh thổ bộ lạc.
Thế chiến II được xem là cuộc chiến vĩ đại vì tự do của người Anh và quân Đồng Minh giải phóng các nước đặt dưới ách chiếm đóng của ĐQX. Nhưng ở Mặt trận Tây Bắc của Ấn Độ, thì người Anh lại phủ nhận quyền tự do của các bộ lạc. Các bộ lạc thường không có chương trình nghị sự chính trị hoặc tôn giáo. Người Anh “hối lộ” các bộ lạc để được yên ổn. Một báo cáo tuyệt mật của tình báo Anh đề ngày 31/12/1940 cho thấy số tiền hối hộ mà người Anh đã trả cho một trong các khu vực bộ lạc là 248.845 Rupi (đồng nội tệ Ấn Độ). Nhưng bất chấp những khoản tiền “đút lót” lớn như vậy vẫn chẳng thể nào ngăn cản những cuộc chiến từ các bộ lạc chống Anh.
Suốt cuộc chiến, Rahmat (Silver) cũng hoạt động trong các khu vực nơi được thống trị bởi các Giáo trưởng, người Anh theo dõi cẩn thận các nhân vật này. Tháng 12/1941, 10 tháng sau khi Pietro Quaroni tuyển Silver làm gián điệp cho Italy, C. E. Joyce (Phó giám đốc tình báo chính phủ tại Peshawar) đã xếp hạng các giáo trưởng nổi bật nhất từ thù địch đến thiện chí và tạo ra một báo cáo khiến người Anh cảm thấy u ám. Thật khó để cưỡng lại kết luận rằng việc Silver lừa dối người Đức chắc chắn đã ngăn chặn một cuộc nổi dậy trong khu vực các bộ lạc. Một cuộc khởi nghĩa như thế, xét đến số tiền mà người Đức sẵn sàng chi tiêu, sẽ buộc người Anh chuyển các nguồn lực từ những thành phần khác trong cuộc chiến để quay sang bảo vệ cửa hậu vào Ấn Độ.
Cuộc chiến đó khiến 3,5 triệu thường dân Ấn thiệt mạng. Đó là nạn đói lớn ở Bengal. Nạn đói không được biết đến ở Ấn Độ và trong suốt thời kỳ Anh cai trị Ấn, đã xảy ra nhiều nạn đói như thế. Mùa hè 1943 là thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử Nam Á thế kỷ 20. Nguyên nhân không phải do thiếu lương thực mà là do sự kém cỏi tệ hại của các quan chức Raj thuộc Anh và chính quyền Bengal do người Ấn điều hành. Còn có một thực tế chua chát là trong khi nhiều người Ấn đã chiến đấu dũng cảm trên nhiều chiến trường và giành được nhiều phần thưởng cao quý thì không có tư lệnh người Ấn nào. Quan chức Ấn Độ cấp cao nhất được biết đến vào cuối Thế chiến II là Kodandera Madappa Cariappa - một Trung tá tạm thời - chỉ đến khi Ấn Độ giành được độc lập, ông mới trở thành Tổng tư lệnh đầu tiên của Ấn.
Trong cuộc đời gián điệp của mình, Silver không chỉ tiếp xúc với những nhà cai trị da trắng trong nước Ấn mà còn là người da trắng từ nhiều quốc tịch khác nhau. Sự nghiệp tình báo của ông không hề thua với bất kỳ người da trắng nào. Sử gia tình báo thời chiến của Anh, ông Michael Howard đã viết: “Anh ta (Silver) là một kiểu Lawrence xứ Arab, một bậc thầy cải trang, luôn được kính trọng bởi các bộ lạc miền đồi ở Mặt trận Tây Bắc”. Trong suốt lịch sử Thế chiến II, không có bất kỳ người Ấn nào hoặc người của phe Đồng Minh được ca ngợi nhiều như vậy. Silver sánh ngang với người Anh, người Italy, người Đức, người Nga. Một số nhà bình luận cho rằng Silver là người có học thức. Thực tế thì ông là sinh viên trúng tuyển, tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, cũng chả biết các thứ tiếng Âu Châu khác. Trong chiến tranh, Thiếu tá Peter Thorne của Trung đoàn bộ binh cao cấp của quân đội Anh, chê Silver lùn và gầy nhẳng. Silver xuất thân từ một ngôi làng nhỏ với dân số khoảng 1.000 người, chưa từng tiếp xúc với văn minh hiện đại. Thế rồi cuộc đời Silver thay đổi đáng kinh ngạc, bắt đầu từ cái tên mà ông giới thiệu với đại sứ Pietro Quaroni: Rahmat Khan.
Theo CAND