| 31-07-2013 | 00:00:00

Cà phê Việt thành tên thị trấn ở Mỹ

PhinDeli, thương hiệu cà phê 100% Việt Nam siêu sạch, vừa được ra mắt tại Việt Nam và sẽ là tên mới của thị trấn Buford -Mỹ có lịch sử 147 năm

Ngày 30-7, ông Phạm Đình Nguyên, người Việt đầu tiên bỏ ra 900.000 USD để đấu giá mua lại thị trấn Burfod - Mỹ cách đây hơn một năm, chính thức công bố việc đầu tư thương hiệu cà phê 100% Việt Nam siêu sạch, an toàn mang thương hiệu PhinDeli. Bước đệm để đưa cà phê an toàn, chất lượng của Việt Nam ra nước ngoài thông qua việc đổi tên một thị trấn ở Mỹ.

“Không gì là không thể!”

Sở hữu một thị trấn ở Mỹ là kỳ tích của người Việt từng làm ngạc nhiên cho cả thế giới. Và việc bỏ ra gần 1 triệu USD mua thị trấn có diện tích chỉ 4 ha để làm gì vẫn là câu hỏi mà bản thân doanh nhân Phạm Đình Nguyên (hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP PhinDeli) luôn đau đáu trong suốt thời gian qua.

  Lãnh đạo Công ty CP PhinDeli giới thiệu sản phẩm cà phê với khách hàng

“Sẽ rất buồn cười nếu ai đó biết tôi là người không biết thưởng thức cà phê cũng như không rành về cà phê mà lại làm nên thương hiệu PhinDeli và đưa nó sang đất Mỹ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, ý tưởng về việc đưa một sản phẩm có thế mạnh, đậm nét văn hóa Việt để gắn với Buford luôn ở trong đầu tôi. Tại sao không là cà phê với phong cách pha phin đặc trưng của người Việt. Nó đáng để quảng bá, để giới thiệu với thế giới quá đi chứ!”- ông Phạm Đình Nguyên chia sẻ.

Cùng với đồng nghiệp là ông Đỗ Quốc Tuấn (người từng làm giám đốc marketing tại Việt Nam cho Tập đoàn Kraft Foods, tập đoàn hàng đầu thế giới về cà phê), ông Nguyên đã bắt tay vào gầy dựng PhinDeli trong sự nghi ngờ của nhiều người bởi sự cạnh tranh của một thị trường cà phê khá khốc liệt. Tuy vậy, từ ý tưởng “không gì là không thể!” như khi tham gia đấu giá mua thị trấn Buford, ông Nguyên cho biết chính sự khác biệt của PhinDeli về chất lượng, an toàn và với bước đi riêng bởi sự hợp tác của một đơn vị có kinh nghiệm về ngành cà phê hơn 50 năm qua, ông đã tự tin rất nhiều về sự thành công của PhinDeli. Điều gây chú ý là thị trấn Buford sẽ đổi tên thành PhinDeli trong thời gian tới cùng với việc mở kinh doanh sản phẩm PhinDeli trên trang mạng amazon...

Đưa cà phê Việt siêu sạch đến Mỹ

 Ông Nguyên chụp hình lưu niệm trước cửa hàng. Với việc bàn giao chìa khóa thị trấn, ông Nguyên đồng thời trở thành thị trưởng mới.

Sự khác biệt của cà phê PhinDeli so với các loại cà phê khác, theo ông Đỗ Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP PhinDeli, là sản phẩm 100% cà phê Việt, được chọn lựa từ những hạt cà phê có chất lượng đồng đều, không có tồn dư thuốc trừ sâu, chất bảo quản, không tẩm ướp hóa chất độc hại, không có chất tạo đắng, tạo mùi… Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn HACCP.

Cùng một tiêu chuẩn, chất lượng

Ông Phạm Đình Nguyên cho biết tất cả sản phẩm xuất sang Mỹ hay bán tại Việt Nam của PhinDeli đều có tiêu chuẩn và chất lượng như nhau. Chỉ khác là những dòng sản phẩm cao cấp hơn sẽ được chú trọng xuất sang Mỹ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Do tính chất xuất khẩu, kinh doanh hàng hóa tại thị trường quốc tế nên giá bán sản phẩm cà phê PhinDeli tại Mỹ dự kiến sẽ cao gấp đôi tại thị trường Việt Nam. Tất cả sản phẩm PhinDeli bán sang Mỹ đều được đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA

Cũng theo ông Đỗ Quốc Tuấn, hiện sản phẩm PhinDeli đã có mặt tại một vài siêu thị, dự kiến sẽ mở rộng tại tất cả các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa trên cả nước trong thời gian sớm nhất. Đối với thị trường Mỹ, PhinDeli sẽ được giới thiệu cho khách dùng miễn phí tại hệ thống cửa hàng rộng khoảng 200 m2 được thiết kế ấn tượng với bức tranh dài 10 m. Tranh được các nghệ sĩ người Việt ghi khắc lại quá trình trồng, chăm sóc, chế biến đến thưởng thức cà phê của người Việt. Đợt hàng đầu tiên của PhinDeli sẽ có 2 nhóm sản phẩm là siêu sạch (có 3 loại: ngày mới, giọt đắng, moka) và thượng hạng (Gold, Supreme, Espresso). Giá bán trung bình từ 140.000- 360.000 đồng/kg.Nhiều người cho rằng thị trường cà phê Việt Nam đang sôi động với nhiều thương hiệu, kể cả các thương hiệu ngoại, vậy PhinDeli sẽ cạnh tranh và tồn tại như thế nào khi không có một hệ thống quán cà phê để quảng bá? Ông Đỗ Quốc Tuấn cho rằng thị trường Việt Nam còn rất nhiều cơ hội cho bất kỳ nhãn hiệu cà phê nào bởi nhu cầu sử dụng cà phê của người Việt rất lớn. Theo ông Tuấn, trung bình 1 năm, mỗi người Việt dùng 1 kg cà phê, như vậy mỗi năm phải có gần 90 triệu kg cà phê được tiêu thụ trong nước. Còn ở Brazil thì tỉ lệ người dùng cà phê cao gấp 5 lần của Việt Nam.

Theo NLĐ/Vnexpress

 

 

Chia sẻ