Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Môi trường được hiểu là bao gồm các yếu tố tự nhiên và các yếu tố vật chất nhân tạo, quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, phát triển của con người, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.
Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế những năm qua cho thấy Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội, nước ta cũng đối diện với vấn đề môi trường bị ô nhiễm. Các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị được hình thành nhanh chóng làm cho nguồn rác thải công nghiệp cũng như rác thải sinh hoạt đưa vào môi trường ngày càng nhiều, gây ô nhiễm không khí, đất, nước. Hầu hết các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường tập trung hoặc có nhưng hoạt động chỉ mang tính chất đối phó; việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải trực tiếp ra sông, biển là khá phổ biến. Tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào nước ta dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước, kể cả thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến nguy cơ biến nước ta thành bãi thải công nghiệp. Tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm xảy ra hết sức nghiêm trọng, làm giảm tính đa dạng sinh học. Số vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật tăng nhanh làm cho tình hình tội phạm về môi trường và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam ngày càng gia tăng, không những ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của cá nhân, tổ chức mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường nói chung.
Trong thời gian vừa qua, môi trường sống nhiều nơi trên đất nước ta đáng báo động với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, nguyên nhân là do hoạt động của các pháp nhân gây ra. Do pháp luật hình sự nước ta chưa có quy định xử lý các hành vi vi phạm về môi trường đối với pháp nhân, nên việc xử lý hình sự đối với pháp nhân là điều không thể. Từ bất cập này, Bộ luật Hình sự năm 2015, lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực môi trường của pháp nhân thương mại. Đây là bước tiến đột phá, quan trọng của pháp luật hình sự nước ta, mặc dù chỉ giới hạn trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nhưng tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những chủ thể này khi có những hoạt động có dấu hiệu tội phạm trong việc gây ô nhiễm môi trường.
Các tội xâm phạm về môi trường xâm phạm đến các quy định của Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường; xâm phạm đến sự trong sạch, tính tự nhiên của môi trường thiên nhiên quá sức cho phép; xâm phạm đến sự ổn định của môi trường sống, gây tổn hại đến sức khỏe của con người và các loài sinh vật. Đối tượng tác động của các tội phạm về môi trường là các yếu tố tạo thành môi trường, gồm: Không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi rừng, sông hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.
Chúng tôi giới thiệu Tội gây ô nhiễm môi trường trong nhóm tội này của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội gây ô nhiễm môi trường là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Bao gồm tổng hợp tất cả các hành vi xâm phạm đến bầu khí quyển, nguồn đất, nguồn nước. Hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi xâm phạm và để lại tác động tiêu cực đến môi trường sống, làm môi trường trở nên độc hại. (còn tiếp)