Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
3. Tội làm nhục người khác (Điều 155)
Tội làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Các hành vi có thể bằng lời nói hoặc hành động với mục đích hướng đến là hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Bằng lời nói: Sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… nhằm vào nhân cách danh dự với tính chất hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy nhục nhã trước người khác; bằng việc làm: Có những hành vi bỉ ổi (có hoặc không kèm lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu riếu. Ví dụ: Lột trần truồng nạn nhân, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người, xe cộ…
Ngoài ra để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Người thực hiện Tội làm nhục người khác là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên.
Việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội kết hợp với các yếu tố khác như cường độ và thời gian kéo dài của hành vi; vị trí và môi trường xung quanh; trình độ nhận thức; vị thế, vai trò của người bị hại trong gia đình, tổ chức cũng như trong xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình... Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội về hành vi lăng nhục có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục. Nếu chỉ là những lời lẽ hành động có tính chất thiếu văn hóa như chửi rủa nhau ở đám đông, đổ nước bẩn vào nhau hoặc trong quán nhậu cãi nhau rồi hắt bia, rượu vào mặt nhau thì không phải là tội phạm, mà tùy trường hợp có thể bị xử phạt hành chính.
Tội làm nhục người khác là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này. Nếu hành vi làm nhục người khác dẫn đến nạn nhân tự sát thì đó được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS). Nếu nạn nhân có quan hệ lệ thuộc vào người phạm tội mà do hành vi làm nhục dẫn đến nạn nhân tự sát thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS về tội làm nhục người khác mà bị truy cứu TNHS về tội bức tử.
Người thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, tức là người phạm tội biết rõ hành vi của mình là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng đã thực hiện hành vi phạm tội. Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị hạ thấp danh dự, nhân phẩm với nhiều động cơ khác nhau, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại, để thỏa mãn thú vui xác thịt.
Mức hình phạt của tội phạm có ba khung, cụ thể như sau: Khung 1, có mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan. Khung 2, phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, áp dụng đối với một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên, đối với 2 người trở lên, lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ, đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân màtỷ lệtổn thương cơ thểtừ 31% đến 60%. Khung 3, phạt tù từ 2 năm đến 5 năm, đối với các trường hợp phạm tội sau: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân màtỷ lệtổn thương cơ thể61% trở lên, làm nạn nhân tự sát. Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/ UBND-NC ngày 30-11-2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương.