Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Theo trang Boldsky, nếu trẻ không ngủ đủ giấc có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển, tiêu hóa và sự tập trung cũng như khả năng ghi nhớ của trẻ. Dưới đây là cách giúp cha mẹ đối phó với chứng mất ngủ ở trẻ.
Giữ một lịch trình đi ngủ đều đặn sẽ giúp cơ thể trẻ thích nghi với thói quen, giảm tình trạng mất ngủ.
Thiết lập thói quen đi ngủ
Giữ một lịch trình đi ngủ đều đặn sẽ giúp cơ thể trẻ thích nghi với thói quen và cảm thấy mệt mỏi vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, cha mẹ không cho phép trẻ phá vỡ lịch trình trong những ngày nghỉ.
Phân tích các yếu tố gây căng thẳng
Trẻ em thường trở nên căng thẳng bởi một địa điểm mới, áp lực học tập hoặc áp lực từ bạn bè. Cha mẹ có thể hiểu con mình đang cảm thấy thế nào dựa trên hành vi của trẻ. Từ đó, phân tích các yếu tố gây căng thẳng và giúp đỡ trẻ.
Tuân thủ thói quen vệ sinh giấc ngủ
Cha mẹ nên xem xét trẻ có dành quá nhiều thời gian trên giường từ bài tập về nhà đến ăn uống. Nên dừng ngay thói quen này của trẻ. Một chiếc giường bẩn và lộn xộn sẽ không mang lại cho trẻ giấc ngủ ngon. Thời gian duy nhất có thể dành trên giường là để ngủ, không phải để đọc sách, làm bài tập hay xem tivi.
Dạy trẻ kỹ thuật thư giãn
Cách hiệu quả nhất để cha mẹ đối phó với chứng mất ngủ ở trẻ là dạy trẻ các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn thở bằng cơ hoành, thư giãn cơ dần dần và sử dụng hình ảnh trực quan.
Không hoạt động trước khi đi ngủ
Cha mẹ nên cho trẻ ngừng chơi trò chơi điện tử, xem TV, nhắn tin hoặc nói chuyện điện thoại từ 30 đến 60 phút trước khi đi ngủ.
Tập trung vào những suy nghĩ tích cực
Khi trẻ bị mất ngủ, cha mẹ nên cố gắng giúp trẻ bình tĩnh trở lại. Cho trẻ tưởng tượng cảnh bình minh hoặc biển lặng. Cha mẹ cũng có thể kể những câu chuyện trước khi đi ngủ để trẻ thư giãn. Bất cứ khi nào trẻ cần sự giúp đỡ, cha mẹ luôn hỗ trợ và khuyến khích trẻ bởi giấc ngủ phụ thuộc nhiều vào sự ổn định tinh thần.
Tham vấn bác sĩ
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng mất ngủ của trẻ kéo dài. Điều quan trọng là phải tìm kiếm bất kỳ vấn đề y tế hoặc tâm lý tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ cần được giải quyết trước tiên.
Theo LĐO