| 22-11-2013 | 00:00:00

Cái giá của “nhân tai”!

 Năm nay, lũ lụt đến với người dân miền Trung không bình thường. Ngập lụt khắp nơi không theo quy luật và nước lên nhanh bất thường làm người dân không kịp trở tay! Nguyên nhân chính của “sự kiện lạ” này, theo lãnh đạo các tỉnh miền Trung do thiên tai thì ít mà “nhân tai” thì nhiều! Thủ phạm chính gây ra ngập lụt bất thường là các hồ đập thủy điện mọc lên ngày càng nhiều, không làm tròn chức năng cắt lũ mà còn “tiếp sức” để lũ về nhanh hơn. Hầu hết các địa phương bị lũ lớn đều cho rằng, các hồ thủy điện đã xả lũ với dung lượng lớn hơn lượng nước về hồ. Trong khi đó, báo cáo với Bộ Công Thương, hầu hết Ban quản lý các hồ đập thủy điện ở miền Trung đều “chạy tội” khi cho rằng mức xả lũ là bình thường!

Thủy điện là công trình của các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng với mục đích kinh doanh. Chính vì kinh doanh nên nhà đầu tư chỉ chú trọng đến lợi nhuận. Nước chính là tiền, tích được càng nhiều nước vào mùa mưa thì thủy điện mang lại càng nhiều tiền. Trong khi đó công tác dự báo còn yếu kém, đa số các hồ đập ở miền Trung đều vận hành đơn lẻ và không có chức năng dự phòng cắt lũ nên khi đã tích đầy nước mà lượng mưa vẫn cao và tiếp tục trên diện rộng thì các hồ buộc phải xả lũ để bảo đảm an toàn, cho dù việc xả lũ có thể gây thiệt hại nặng cho phía hạ lưu. Chính vì điều này mà lũ lụt hiện nay không theo quy luật, khó đối phó hơn và gây thiệt hại nhiều hơn!

Thủy điện ngoài việc “tiếp sức” gây lũ lụt bất thường còn là tác nhân chính trong việc tàn phá rừng đầu nguồn. Để xây dựng một nhà máy thủy điện nhỏ cũng phải mất hàng ngàn ha rừng. Rừng không còn, chức năng giữ và điều tiết lượng nước về hạ lưu cũng không còn, nên cứ có mưa lớn mà thủy điện đã tích đầy nước là vùng hạ lưu sẽ bị ngập lụt tức thì. Đây mới chính là thảm họa “nhân tai” mà cơ quan chức năng khi đánh giá tác động môi trường các hồ đập thủy điện đã không lường hết. Hậu quả nhãn tiền là lũ lụt tàn phá, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân cả dãy đất miền Trung, mà bằng chứng chính là đợt lũ lịch sử vừa mới diễn ra.

Năm nay, bát cơm của người dân miền Trung lại vơi quá nửa. Sau lũ, sẽ có thêm nhiều gia đình rời bỏ quê hương tha phương kiếm sống, nhiều gia đình phải cho con nghỉ học… chỉ vì sự tàn phá của “nhân tai”! Thiên tai khó tránh, còn “nhân tai” là chuyện có thể khắc phục. Do vậy, đã đến lúc cần xem lại chức năng của các hồ đập thủy điện ở miền Trung. Nếu lợi ích từ thủy điện mang lại không lớn so với thiệt hại thì cần nhanh chóng chuyển đổi chức năng của các hồ đập này từ thủy điện thành các hồ đập điều tiết cắt lũ để giảm gánh nặng cho người dân các tỉnh, thành miền Trung.

 LÊ QUANG

Chia sẻ