| 22-11-2022 | 08:53:05

Cần giải “cơn khát” vốn vay cho doanh nghiệp

 Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng liên tục thông báo tăng lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25-10. Trong đó, đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, phần lớn các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động lên mức tối đa là 6%. Đặc biệt, ở một số kỳ hạn, hình thức gửi, chương trình khuyến mại, một số ngân hàng đã tăng mức lãi suất lên cao từ 9-11%…

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đang lo ngại lãi suất huy động tăng cao có thể tạo sức ép lên lãi suất cho vay. Trong khi đó, hiện nay tỷ suất lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên, thậm chí thu hẹp lại vì thị trường nhiều biến động. Điều này khiến cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không dám mở rộng quy mô sản xuất vì lo ngại không đủ khả năng để trả lãi, trả nợ ngân hàng khi lãi suất liên tục tăng cao.

Thêm vào đó, hiện nay, do việc hạn chế về “room” tín dụng nên một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc giải ngân các khoản vay mới. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là đối với khoản vay ưu đãi trong khi nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối năm đang rất “nóng”. Hơn thế nữa, thời gian qua, khi ngân hàng thẩm định hồ sơ tín dụng sẽ căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm gần đây, nếu đủ điều kiện mới cấp khoản vay. Quay ngược lại, thời gian 2 năm qua doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới có nhiều biến động. Điều đó lại thêm một rào cản để doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay vốn khi xét đúng quy trình

Về tình hình thị trường, dịp cuối năm hoạt động kinh doanh khá nhộn nhịp, nhu cầu về vốn lưu động tăng cao, trong khi nguồn vốn vay chưa thỏa “cơn khát” của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn về “room” tín dụng. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng có phương án hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại nợ… để có thể có thêm nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh. Đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

 TIỂU MY

Chia sẻ