| 11-11-2022 | 22:38:15

Cần hoàn thiện khung pháp lý phát triển cụm công nghiệp

Nghị định số 68/2017, Nghị định số 66/2020 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) thống nhất từ quy hoạch, thành lập đến đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều vướng mắc cần được sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý phát triển CCN.

Cần sửa đổi, bổ sung

Đối với Bình Dương, thông qua hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đáp ứng nhu cầu phát triển xanh, bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc cần được sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý phát triển CCN.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương đã kiến nghị Bộ Công thương về việc Nghị định số 68/2017 và Nghị định số 66/2020 là các nghị định chuyên ngành quản lý nhà nước về CCN. Hiện tại chưa có luật chuyên ngành về CCN, do đó việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt là Luật Đầu tư).

Sản xuất tại một công ty thuộc Cụm công nghiệp Uyên Hưng, TX.Tân Uyên

Cụ thể, căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 và khoản 2 Điều 33 Nghị định số 31/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020 thì dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, do đó phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN quy định: “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN… không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư” và khoản 1, Điều 6 Thông tư 28/2020/TT-BCT ngày 16-11- 2020 của Bộ Công thương quy định: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017.

Khó khăn về đất đai

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trần Minh Huy, Trưởng ban Quản lý CCN Uyên Hưng (Công ty Cổ phần Lâm sản và Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Dương) nêu một số khó khăn trong quá trình thực hiện dự án CCN Uyên Hưng (TX. Tân Uyên). Cụ thể, theo quy định pháp luật áp dụng đối với CCN Uyên Hưng thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thông qua hội đồng giải tỏa đền bù. Tuy nhiên, trên thực tế các hộ còn lại không thực hiện được theo phương án giải tỏa đền bù đã duyệt, hội đồng bồi thường đã vận dụng chính sách lãi suất trượt giá và nhiều lần cùng cơ quan chức năng vận động các hộ dân nhưng không có hộ nào đồng thuận.

“Dự án CCN Uyên Hưng được thực hiện trải qua nhiều thời kỳ thay đổi của các quy định về pháp luật. Việc điều chỉnh diện tích CCN dưới 75 ha phải bảo đảm cơ cấu sử dụng đất theo đúng như quy định của pháp luật hiện hành. Trong khi đó, CCN Uyên Hưng đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo các quy định tại thời điểm phê duyệt dự án và đã đi vào hoạt động ổn định. Điều này gây khó khăn về công tác điều chỉnh quy hoạch của dự án. Khi thực hiện điều chỉnh diện tích CCN dưới 75 ha, phát sinh nhiều khó khăn về pháp lý do hiện chưa có hướng dẫn giải quyết các thủ tục phát sinh khi điều chỉnh giảm diện tích đối với phần đất đã thực hiện bồi thường cũng như gây khó khăn cho các nhà đầu tư thứ cấp (đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài) khi phải điều chỉnh lại hồ sơ pháp lý liên quan”, ông Huy cho biết.

Bên cạnh đó, dự án CCN Uyên Hưng có nhiều trường hợp hộ dân không đồng ý giải tỏa bồi thường, gây nên hiện trạng da beo, đất nằm xen giữa dự án CCN Uyên Hưng. Trường hợp này vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể thi công hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đúng như quy hoạch được phê duyệt. Từ đó, không được các cơ quan chức năng nghiệm thu hạ tầng toàn dự án của CCN Uyên Hưng, dẫn đến công ty không thể khai thác đầu tư các quỹ đất còn lại.

Từ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình xây dựng, phát triển các CCN, ông Nguyễn Thanh Toàn đã đề nghị Bộ Công thương sớm giải đáp việc thành lập dự án CCN trên nguồn gốc đất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang quản lý và sử dụng có phải đấu giá hay đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư hay không. Sở Công thương cũng đề nghị Bộ Công thương tổng hợp, báo cáo các bộ, ngành liên quan theo hướng đơn giản hóa thủ tục và có hướng dẫn chi tiết để thống nhất cách thực hiện trên phạm vi cả nước đối với trường hợp các khu đất dự kiến thành lập mới các CCN có nguồn gốc đất là đất Nhà nước giao cho các công ty cao su thành viên (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) quản lý, mục đích sử dụng là sản xuất nông nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân: “Bộ Công thương sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp, hoàn thiện báo cáo đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017 và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ một cách toàn diện, đầy đủ nhất. Dự kiến kế hoạch xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 68/2017 và Nghị định 66/2020 trình lên Thủ tướng, Chính phủ tháng 6-2023 để có thể thông qua trong năm 2023”.

TIỂU MY

Chia sẻ