| 09-06-2023 | 08:45:05

Cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế

 Bình Dương với vị trí tiếp giáp với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao là một lợi thế để khai thác các nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm. Bình Dương còn được xem là cái nôi của những làng nghề nổi tiếng vùng Đông Nam bộ. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là những điều kiện tương đối thuận lợi trong việc hình thành và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch.

Trên địa bàn tỉnh có thể kể đến nhiều vùng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái đặc sản. Đơn cử như các phường, xã thuộc tiểu vùng ven sông Sài Gòn của TP.Thuận An (An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm và An Sơn) trồng phổ biến các loại cây ăn trái măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon, mít tố nữ... Ở cù lao Bạch Đằng, TP.Tân Uyên là các vườn bưởi đường lá cam, bưởi ổi... với hương vị đặc trưng riêng biệt.

Thực tế đó khẳng định rằng, từ sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, Bình Dương đang rất thuận lợi để xây dựng, tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch phù hợp, tạo ra sự đa dạng hóa về sản phẩm du lịch, tiến đến phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thời gian gần đây do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đã làm cho các vườn cây ăn trái đặc sản ở TP.Thuận An suy thoái, già cỗi nên phần nào đã làm giảm sức hấp dẫn. Các vườn bưởi đặc sản ở Bạch Đằng cũng chưa phát triển đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn.

Thiết nghĩ, thời gian tới nhằm bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả các lợi thế từ các vườn cây, kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trọng tâm, ưu tiên phát triển các loại, giống cây đặc sản, có nhãn hiệu, có lợi thế cạnh tranh, xây dựng được vùng trồng cây ăn trái có múi bền vững, an toàn với môi trường.

 PHƯƠNG ANH

Chia sẻ