Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đầu tư công, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, từ nội tỉnh đến liên tỉnh, liên vùng, từ nhiều năm qua Bình Dương luôn thể hiện tinh thần chủ động, tiên phong vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của các tỉnh, thành trong Vùng Đông Nam bộ - vùng động lực quan trọng của cả nước. Hệ thống giao thông của Bình Dương hiện tại được nhìn nhận là tương đối đồng bộ, đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp (DN), không riêng của tỉnh nhà.
Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, yêu cầu phát triển cho giai đoạn mới ngày càng cao, với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, Bình Dương đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm để nhanh chóng kết nối, “mở đường” phát triển nhanh, bền vững. Hiện tại, các dự án giao thông có thể kể đến là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, xây dựng mới Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, cầu Bạch Đằng 2… Không bao lâu nữa, Bình Dương sẽ tiếp tục xúc tiến triển khai xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 5 TP.Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải…
Với hàng loạt dự án đã và sẽ triển khai, bên cạnh nguồn lực vốn lớn, sự quyết tâm của địa phương, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Bình Dương rất cần tinh thần đồng thuận, phối hợp thực hiện của cộng đồng DN, người dân trong vùng các dự án đi qua. Di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, cơ sở sản xuất của các DN, nhà ở, công trình của người dân… chính là những khâu quan trọng để giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các dự án đúng tiến độ.
Thực tế, những công trình đang triển khai thi công như Quốc lộ 13, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương đã quyết liệt thực hiện mọi công việc, chính sách liên quan, tạo nên sự đồng thuận cao để triển khai dự án đúng kế hoạch. Dẫu vậy, liên quan đến việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các DN, đặc biệt là hệ thống lưới điện hiện hữu vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ địa phương là cần thiết nhưng rất cần sự đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng, đồng lòng thực hiện vì mục tiêu phát triển chung của các DN liên quan. Đầu tư công đạt kết quả cao được coi là động lực phát triển, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đầu tư công cho hạ tầng giao thông còn bao hàm cả ý nghĩa kết nối, thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển, nâng cao cuộc sống người dân… Vì mục tiêu đó, rất cần tinh thần đồng thuận cao của người dân, DN để các công trình, dự án đầu tư công hoàn thành, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
TRIỆU PHONG