| 09-09-2014 | 09:56:35

Cẩn thận với bệnh cúm mùa

Theo tài liệu tuyên truyền từ Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh, bệnh cúm mùa rất đáng quan tâm, cần nhận biết và điều trị tích cực nếu có biến chứng…

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Những người dễ mắc bệnh là sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm. Triệu chứng lâm sàng có sốt, trên 380C, đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở. Hình ảnh chụp X-quang phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi. Xét nghiệm công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm. Cúm mùa nhẹ có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần. Trong khi cúm có biến chứng có các biểu hiện như: Có tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở…). Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng. Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu).

Nguyên tắc điều trị bệnh cần tuân thủ: Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng. Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên. Thuốc kháng vi rút được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định. Ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến. Bệnh nhân cúm có biến chứng cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt.

H.CẦN

Chia sẻ