| 28-03-2024 | 06:43:22

Cẩn thận với từng cú nhấp chuột

Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông đã tăng cường tuyên truyền về những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của tội phạm trên không gian mạng, tuy nhiên vẫn còn nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm này. Sau khi biết mình bị lừa, khi trình báo cơ quan chức năng, có nạn nhân cho biết số tiền “bốc hơi” lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông tin về 5 hình thức lừa đảo trực tuyến nổi cộm hiện nay để người dân nhận biết và nêu cao cảnh giác. Trong đó đáng chú ý là các thủ đoạn như mạo danh công an để lừa kê khai thông tin tài sản hay lập website, fanpage giả mạo trang của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao để lừa đảo. Với thủ đoạn lập website, fanpage giả mạo trang của Cục An ninh mạng để lừa đảo, các đối tượng sẽ lập các trang có tên “Cục An ninh mạng” hoặc “Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” để đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống; đồng thời cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân như tư vấn lấy lại tiền lừa đảo, hỗ trợ xử lý các vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản chất là đối tượng lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền của các nạn nhân để khiến họ bị lừa tiếp.

Để hạn chế tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và qua bất cứ hình thức nào. Bởi lẽ, việc lộ lọt thông tin cá nhân sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Người dân, đặc biệt là những người từng bị lừa đảo tài chính, cần cẩn trọng trước các website hoặc hội nhóm mạng xã hội liên tục chạy quảng cáo, mời chào hỗ trợ lấy lại tiền đã mất. Cũng theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, thủ đoạn giả danh công an để lừa kê khai thông tin tài sản hiện nay cũng khá phổ biến. Vì vậy, người dân không nên nghe và làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của người lạ; không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho những hành vi phạm tội. Ngoài ra, hiện nay xuất hiện một số “chiêu lừa” mới, như: Nhận làm thay thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe online để lừa đảo; cung cấp dịch vụ “giá rẻ”; lừa đảo xuất khẩu lao động trên mạng…

Trong khi đó tại Bình Dương, qua đánh giá của cơ quan chức năng, những năm qua tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thậm chí nạn nhân là người làm trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan Nhà nước.

Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh, cho biết hiện nay tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Trong 2 năm 2022 và 2023, PC02 đã tiếp nhận hơn 190 tin báo liên quan đến các vụ việc lừa đảo trên mạng, với số tiền hơn 300 tỷ đồng. “Người dân cần cẩn thận trước khi nhấp chuột cũng như bấm vào một đường link lạ, vì có thể trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo bất cứ lúc nào”, đại diện Phòng PC02 Công an tỉnh khuyến cáo.

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ