| 14-05-2021 | 07:45:36

Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

Nghị định 30/2021 của Chính phủ mới ban hành (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở) còn có một số điều bất cập, gây khó khăn cho các dự án nhà ở thương mại. Hiện các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đang rất mong ngành chức năng sớm có những giải pháp để kịp thời tháo gỡ.

 Phát triển thị trường bất động sản sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, thay đổi diện mạo đô thị. Trong ảnh: Một góc dự án Sun Casa Cen­tral tại TP.thuận An

 Nhiều dự án bị “ách tắc”

Theo một số DN BĐS, Nghị định 30/2021 của Chính phủ mới ban hành (Nghị định 30) đã gây ra những bất cập, vướng mắc. Cụ thể, nghị định chỉ cho các DN có quỹ đất là 100% đất ở hoặc “dính” một phần đất ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Các nhà đầu tư còn lại có các quỹ đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp sẽ không thể thực hiện được dự án.

Ông Hoàng Mộng Chinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Khôi, cho biết: “Đối với các dự án mới, hiện nay DN BĐS gặp khó khăn do quy định của Nghị định 30. Với quy định chỉ có trường hợp dự án có “dính” đến đất ở mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, còn lại tất cả các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác nhưng không “dính” một chút đất ở nào thì không được lựa chọn chủ đầu tư. Trong khi hiện nay quỹ đất ở hạn chế, đa số là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do DN mua lại của người dân, gần như tất cả các dự án mới bị tắc”.

Trao đổi về những vướng mắc DN gặp phải theo các quy định của Nghị định 30/2021, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh, cho biết khó khăn, vướng mắc lớn bắt nguồn từ Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/ NĐ-CP), cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm xem xét, giải quyết. Cụ thể, vướng mắc do quy định không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư. Dù việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được DN thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013. Các trường hợp này vẫn được Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản “chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư” do phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó do Khoản 2 Điều 18 (mới) Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định “trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại”. Kể cả điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2015/ NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP) quy định “trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội”, dẫn đến tất cả các dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đều sẽ bị “ách tắc” thủ tục công nhận chủ đầu tư.

Cũng theo ông Châu, kể cả trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, hoặc có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác, hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất ở” cũng gặp khó. Bởi lẽ Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP đều không quy định thủ tục hành chính, hoặc hình thức văn bản mà trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án xây dựng nhà ở xã hội, chỉ quy định văn bản “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”. Bên cạnh đó, vướng mắc do Khoản 1 (mới), Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở và Khoản 2 Điều 18 (mới) Nghị định 99/2015/NĐ-CP sử dụng một số từ ngữ như “đất ở”, “đất ở hợp pháp”, “các loại đất khác”, “đất ở hợp pháp và các loại đất khác” không thống nhất với Luật Đất đai 2013 sử dụng chữ “đất”, “đất nông nghiệp”, “đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở”, “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở”.

Cần khẩn trương tháo gỡ

Theo ông Phan Cao Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội BDS Bình Dương: “Nhiều dự án mới hiện nay trên địa bàn tỉnh không được phê duyệt chủ trương nên không thể triển khai được do vướng Nghị định 30. Những vướng mắc này kéo theo các sản phẩm BĐS ít, khiến nguồn cung đã hạn chế càng hạn chế hơn. Từ đó giá BĐS càng bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu mua nhà không có khả năng”.

Nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho DN BĐS, Hiệp hội BĐS Bình Dương đã kiến nghị tỉnh sớm có những giải pháp. Ông Phúc cho biết thêm, hiệp hội đã kiến nghị UBND tỉnh và hy vọng, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, tỉnh sớm xem xét, có những giải pháp tháo gỡ kịp thời cho DN. Những vấn đề nào không thuộc thẩm quyền, tỉnh nhanh chóng có những đề xuất, kiến nghị đến Bộ Xây dựng.

Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trước những kiến nghị của DN BĐS về những khó khăn gặp phải ở Nghị định 30, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội BĐS Bình Dương tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn cụ thể cho địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh: “Bộ Xây dựng cần khẩn trương, quyết liệt, chủ động đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi ngay một số quy định bất cập của Nghị định 30 để tháo gỡ ách tắc đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại nhằm tăng nguồn cung dự án, sản phẩm nhà ở, kéo giảm giá nhà đang rất cao hiện nay. Trước mắt để “chữa cháy”, hiệp hội đề nghị xem xét bổ sung thêm cụm từ “bao gồm có quyền sử dụng đất ở, hoặc có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác, hoặc có quyền sử dụng các loại đất khác (không phải đất ở)” vào cuối điểm b Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Về lâu dài, hiệp hội đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, xây dựng lại mới Luật Nhà ở trong năm 2021, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở 2014, trong đó có Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc nêu trên”.

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ